Cơ hội việc làm cho phụ nữ thời kỳ hội nhập

Đào Hiền - Tiến Vũ (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ ba, ngày 20/10/2015 06:00 GMT+7

Cơ hội việc làm sẽ tăng cao khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

VTV.vn - Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, tới năm 2025, việc làm tại Việt Nam sẽ tăng lên 14%.

Việt Nam hiện có khoảng 26 triệu lao động nữ, chiếm 48% tổng lao động cả nước. Những năm gần đây, nhờ chính sách của quốc gia và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tỉ lệ nữ giới tham gia lao động đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn thấp hơn tỷ lệ nam giới tham gia lao động khoảng 10%. Hội nhập kinh tế quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ Việt Nam.

2,3 triệu phụ nữ được đào tạo nghề, 80% có việc làm sau đào tạo nghề, hơn 1.400 mô hình kinh tế hợp tác. Đây là những kết quả nổi bật của đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Đề án chuẩn bị kết thúc đúng lúc Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà Phạm Thị Hà, Phó trưởng ban Hỗ trợ kinh tế phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: ‘Cái được của đề án này là phương thức huy động nguồn lực, thông qua hỗ trợ vốn giúp chị em tiếp tục duy trì việc làm, cũng như phát triển các mô hình của phụ nữ để tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới’.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với đó là cơ hội việc làm tăng cao. Bà Lê Thị Khánh Vân, Ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: ‘Phụ nữ Việt Nam sẽ có cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí cao, hay vị trí lãnh đạo ở các công ty. Đây là cơ hội vàng để phụ nữ Việt Nam cọ xát với môi trường làm việc quốc tế’.

Đáng chú ý, 5 trong tổng số 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển giữa các nước trong giai đoạn đầu hình thành cộng đồng ASEAN đều là lĩnh vực lợi thế của lao động nữ Việt Nam, đó là: kế toán, nha sĩ, bác sỹ, y tá và nhân viên ngành du lịch. Tuy nhiên để nắm được cơ hội, lao động nữ cần phải cải thiện nhiều vấn đề.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: ‘Lao động nữ qua đào tạo, có tay nghề có tỉ trọng thấp hơn nam giới, cái yếu của Việt Nam là ngoại ngữ, khi tham gia thị trường quốc tế khó khăn, kể cả lao động quốc tế vào làm việc ở Việt Nam cũng vậy. Lao động làm việc cá nhân năng suất rất tốt, nhưng làm việc theo nhóm năng suất lại rất thấp’.

Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong ba mục tiêu Thiên niên kỷ Việt Nam hoàn thành trước kế hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để phụ nữ tham gia đóng góp nhiều hơn cho kinh tế, xã hội của đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước