Đến năm 2020, Việt Nam sẽ thải bỏ 10,6 triệu sản phẩm 'rác' điện tử

Hồng Phương (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ bảy, ngày 24/10/2015 06:00 GMT+7

Chất thải điện tử, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

VTV.vn - Theo điều tra của Urenco - Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thải bỏ 10,6 triệu sản phẩm điện tử gia dụng gồm tivi, máy tính, tủ lạnh…

Một trong những hệ lụy của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự gia tăng của chất thải rắn, đặc biệt là chất thải điện tử (các sản phẩm điện tử và điện dân dụng như tivi, tủ lạnh, máy tính) không còn giá trị sử dụng.

Để tái chế chất thải rắn, trong đó có chất thải điện tử, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường phục vụ phát triển bền vững, từ năm 2014, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai dự án ‘Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam’. Dự án được thực hiện với sự tài trợ của Koica - Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc.

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2011 cho thấy, hàng năm tại Việt Nam phát sinh khoảng 28 triệu tấn chất thải rắn thông thường, khoảng 700.000 tấn chất thải nguy hại.

Theo PGS. TS Huỳnh Trung Hải, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội: ‘Trong chất thải điện tử có rất nhiều vật liệu như nhựa, giấy thủy tinh có thể tái sử dụng, nhiều kim loại màu, kim loại quý, một số kim loại nguy hiểm như chì’.

Đó cũng là lý do Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực tái chế chất thải tại Việt Nam và đã tài trợ thực hiện dự án ‘Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam’.

Ông Sikhyon Kim, Phó Trưởng đại diện Koica tại Việt Nam cho biết: ‘Tại Việt Nam hiện có hơn 4.000 công ty Hàn Quốc đang làm việc. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ, dẫn đến chất thải công nghiệp nhiều. Đây là vấn đề mà Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đều quan tâm, bởi vậy chúng tôi muốn góp phần nâng cao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam’.

Dự án đã được Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện từ tháng 6/2014 với nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc trị giá 1,5 triệu USD. Ngày 21/10, 72 thiết bị hiện đại, từ thiết bị tiền dự án đến nghiên cứu chuyên sâu đã được Hàn Quốc chuyển giao cho Viện.

Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, dự án còn bao gồm các hoạt động hợp tác nghiên cứu về quản lý và công nghệ tái chế chất thải điện tử và đào tạo nguồn nhân lực. Trong khuôn khổ dự án, đã có gần 20 cán bộ được thực tập nghiên cứu và tham gia tập huấn về công nghệ tái chế chất thải điện tử tại Hàn Quốc. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có thêm 15 người nữa được gửi đi Hàn Quốc dự các khóa học về lĩnh vực này.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước