Cây sắn có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu. Nguồn: ĐCS
Tại Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN&PTNN phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế CIAT đã tổ chức Diễn đàn đối tác khu vực châu Á với sự tham gia của gần 60 giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu đến từ Australia, Chile, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam về phát triển nông nghiệp bền vững.
Lần đầu tiên, một diễn đàn mang tầm cỡ khu vực về lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững được tổ chức tại Việt Nam. Tại diễn đàn, chuyên gia các nước đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, xác định những chủ đề và lĩnh vực nghiên cứu mới dành cho khu vực Đông Nam Á về chuỗi giá trị của cây sắn, cỏ chăn nuôi và gia súc, các hệ thống canh tác tích hợp có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Ruben G. Echeverria, Tổng Giám đốc Trung tâm nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế cho biết: “Diễn đàn đã quy tụ chuyên gia từ nhiều quốc gia ở châu Á và ngoài khu vực để thảo luận về những bước tiến mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, cũng như những gì mà các nhà nghiên cứu nông nghiệp có thể làm để phát triển ngành này hơn nữa. Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên chủ đạo như trồng sắn, gạo, rau quả, thủy hải sản, chăn nuôi thì chúng tôi cũng tìm cách khắc phục biến đổi khí hậu và phát triển thâm canh bền vững tại Việt Nam”.
Sắn là cây lương thực quan trọng đứng thứ ba trong vùng nhiệt đới sau lúa và ngô. Khi được gieo trồng hợp lý, sắn có hiệu quả sử dụng tài nguyên cao, thích ứng thông minh với khí hậu và có tiềm năng tạo ra thu nhập ổn định cho người nông dân, là nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm.
PGS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Các nhà khoa học CIAT liên tục đưa các nguồn sắn mới sang cùng kỹ thuật canh tác, kỹ thuật chế biến rồi kỹ thuật bảo vệ thực vật và kết quả là đẩy năng suất giống sắn lên gấp đôi, đưa giá trị xuất khẩu của sắn năm 2013 lên hơn 1,3 tỉ USD, đứng thứ ba sau gạo và cà phê”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là vai trò của Viện Khoa học Công nghệ Nông nghiệp trong nhiều năm qua với CIAT rất quan trọng, giúp cho Việt Nam có thêm những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, đặc biệt là bảo quản chế biến, biến đổi khí hậu hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Không dừng lại ở các dự án trồng sắn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, diễn đàn lần này còn hướng nghiên cứu nông nghiệp áp dụng vào thực tế, đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng tài nguyên đất bền vững, thiết lập chuỗi cung ứng toàn diện với người nông dân, tạo ra một ngành nông nghiệp Việt Nam hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.