Là một kiều bào có hơn 40 năm làm việc và sinh sống tại Nhật Bản, trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Địch Hoàn đã tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Với những đóng góp của ông trong vai trò là cầu nối, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, ông Nguyễn Địch Hoàn đã được nhận giải thưởng Higashikuniprize của Nhật Hoàng - giải thưởng dành cho cá nhân có đóng góp cho xã hội trong và ngoài Nhật Bản.
Khi Hiệp định TPP được ký kết, cũng như đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Nhật, ông Nguyễn Địch Hoàn rất vui mừng và có những định hướng về vai trò cầu nối của kiều bào ta tại Nhật trong thời gian tới. Phóng viên Đài THVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Địch Hoàn xung quanh vấn đề này.
Trong 12 đối tác tham gia vào TPP, Nhật Bản là một trong những quốc gia tham gia lớn nhất. Việt Nam và Nhật Bản vừa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao và các nhà lãnh đạo hai nước cũng đã đánh giá cao mối quan hệ này. Vậy theo ông, TPP được ký kết trong bối cảnh hiện nay có những thuận lợi như thế nào để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản?
- Tôi hết sức vui mừng khi biết tin Hiệp định TPP được ký kết, trong đó Nhật Bản và Việt Nam là hai nhân tố tích cực của hiệp định này. Trong 40 năm, qua rất nhiều giai đoạn từ khi Việt Nam và Nhật Bản đặt quan hệ ngoại giao, những năm gần đây, quan hệ hai nước ngày càng thắm thiết và đáng tin cậy. Tôi cho rằng những năm sắp tới, đối tác đáng tin cậy nhất ở khu vực châu Á có lẽ là Việt Nam và Nhật Bản. Thời điểm gần đây, xu hướng của nhân dân và Chính phủ Nhật Bản cũng như xu hướng của nhân dân và Chính phủ Việt Nam được thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể. Hiệp định TPP sẽ là nền tảng để thúc đẩy hơn quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về vai trò là cầu nối của kiều bào Việt Nam tại Nhật trong thời gian tới?
- Hiện nay, kiều bào Việt Nam ở Nhật Bản chưa có những đóng góp về thương mại và kinh tế giữa hai nước một cách tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy Nhật Bản là nước nhập rất nhiều nông sản của các nước châu Á. Chính phủ Nhật Bản cũng hết sức quan tâm đến việc nhập nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên việc đưa nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản cũng có nhiều khó khăn mà chúng ta phải hết sức cố gắng nghiên cứu thì mới phù hợp. Kiều bào sẽ có vai trò vô cùng tích cực vì họ hiểu được con người cũng như tập quán sản xuất của Việt Nam; hiểu được cách tiêu dùng, tập quán sản xuất của thị trường Nhật Bản.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!