Trọng "Mâm cao cỗ đầy" nhưng không có nghĩa mâm cơm, thức ăn chồng chất, mà là nhiều món, nhiều màu sắc, nhưng vẫn giữ được sự nhã nhặn, trang trọng. Nên dù có khó khăn đến mấy, người xưa không chỉ cố cho được đủ "giò, nem, ninh mọc", mà làm sao để mâm cơm thịnh soạn nhất có thể để cầu mong cho một năm mới đầy đủ, sung túc.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết chia sẻ: "Các cụ ngày xưa luôn quan niệm mâm cao cỗ đầy, đói cả năm nhưng phải no đủ 3 ngày Tết, vì ngày Tết nói lên sự sum họp, sung túc. Bao giờ cũng có giò nem ninh mọc, bát măng hay một bát nấm bao giò, hay một bát chim hầm sen, người miền Bắc ăn Tết hay có nộm su hào, mà nộm su hào là vua các loại nộm bởi nó giòn, ngọt, rồi xôi gấc để cầu mong vận đỏ cho cả năm".
Đều là những món ăn phổ biến với nhiều người Việt, nhưng cách chế biến của người Hà Nội lại không hề đơn giản. Cùng là bánh chưng, nhưng người Hà Nội lại giã lá giềng ngâm với nếp, để bánh vừa thơm mùi lá dong, vừa dậy mùi ấm của lá giềng. Hay để có một bát canh măng mọc, măng cũng phải sơ chế mất cả tuần.
Quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nên người Hà Nội xưa dành hết sự cầu kỳ vào mâm cỗ cúng Tết, trước là để thể hiện lòng thành kính đến tổ tiên, sau là để cầu sự sung túc, no đủ cho gia đình trong năm mới. Trở về với mâm cỗ xưa, với nghệ nhân Ánh Tuyết không chỉ để kế thừa nét truyền thống đó của ông cha, mà còn để gợi lại những kỷ niệm về một cái Tết xưa cho con cháu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!