Ban tổ chức đã trao 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc cho chương trình biểu diễn xuất sắc nhất; 8 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc cho diễn viên xuất sắc.
2 huy chương Vàng cho chương trình biểu diễn xuất sắc nhất thuộc về vở rối nước "Trê - Cóc" của Nhà hát múa rối Việt Nam và tiết mục "Âm thanh của nhà tôi" của Đoàn múa rối quốc gia Lào.
Trong 8 huy chương Vàng dành cho diễn viên, các nghệ sỹ Việt Nam giành được 6 giải, 2 huy chương Vàng còn lại thuộc về các nghệ sỹ của Đoàn múa rối Une Tribu Collectif của Wallonie – Bruxelles (Vương quốc Bỉ) và Nhà hát múa rối Tarabates (Cộng hòa Pháp).
Ban tổ chức cũng đã trao 5 giải xuất sắc dành cho các nội dung giàu tính sáng tạo. Trong đó, giải Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về Nguyễn Phương Nhi, vở "Công chúa tóc mây" của Nhà hát múa rối Thăng Long; tạo hình con rối xuất sắc được trao cho Đoàn múa rối quốc gia Lào; trang trí sân khấu xuất sắc được trao cho tác giả Ngô Thắng của Nhà hát múa rối Việt Nam; âm nhạc xuất sắc thuộc về Đoàn nghệ sỹ múa rối Campuchia; trang phục xuất sắc thuộc về Phường múa rối Tookktoon của Thái Lan.
Giải tài năng trẻ xuất sắc được trao cho nghệ sỹ Christian Elijah g. Lunaria của Đoàn múa rối Luria, Philippines…
Chương trình ấn tượng thuộc về Nhà hát Phương Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tổng kết Liên hoan, Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định: Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V đã thành công tốt đẹp với nỗ lực của nghệ sỹ. Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao lòng yêu nghề, sự say mê của các nghệ sỹ trong nước, quốc tế, chính điều đó đã làm nên thành công của các vở diễn, vai diễn ở kỳ Liên hoan lần này. Các nghệ sỹ đã giới thiệu các vở diễn đa dạng, từ loại hình rối cạn, nước, kết hợp nhiều loại hình nhằm tạo nên hiệu quả cho vở diễn.
Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên cho rằng: Nghệ sỹ các nước vẫn cần giữ được những đặc trưng cơ bản của múa rối, có thể kết hợp đan xen múa rối với các loại hình sân khấu khác để múa rối hấp dẫn hơn nhưng không được làm "nhạt" chất của múa rối. Có thể thấy sự khác biệt giữa sân khấu múa rối với các loại hình sân khấu khác ở chỗ ngôn ngữ của múa rối là trò diễn, động tác, cử chỉ, kỹ thuật khéo léo của múa rối. Việc sáng tạo nghệ thuật múa rối phải trên cơ sở cập nhật đời sống, ứng dụng vào đời sống để mở rộn cho vốn cổ, truyền thống quý báu của từng quốc gia, dân tộc. Thêm vào đó, khán giả trước tiên của múa rối vẫn là thiếu nhi nên các nghệ cần đưa chất dí dỏm, hài hước lên hàng đầu, xử lý thông minh, đem lại tiếng cười trí tuệ cho khán giả…
Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V, năm 2018 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì tổ chức với sự phối hợp của một số đơn vị khác. Liên hoan là hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Liên hoan hội tụ 7 đoàn diễn đến từ Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan, Wallonie Bruxelles (Vương quốc Bỉ), Pháp, Brazil và 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp của Việt Nam là Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tranh tài.
Ban Tổ chức cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và Ninh Bình tổ chức đi thực tế tại Tây Thiên (Vĩnh Phúc) để tìm hiểu về văn hóa tâm linh, đạo Mẫu Việt Nam; Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) để tìm hiểu lịch sử các triều vua ở Cố đô Hoa Lư. Đây là cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, mở rộng đề tài, chất liệu phục vụ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật mới, tạo tiền đề cho sự giao thoa văn hóa trong các tiết mục, chương trình biểu diễn cho kỳ Liên hoan sau…
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!