Xin ông cho biết nhận định của mình về vụ sập ngôi nhà cổ tại địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội hôm 22/9?
- Tôi được biết đã xảy ra vụ sập ngôi nhà cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo hôm 22/9 và tôi rất tiếc vì đã có thiệt hại về người.
Tôi nghĩ rằng ngôi nhà này sập không phải vì các ngôi nhà cổ đều yếu mà vì có vấn đề của riêng nó. Người ta đã cải tạo khá nhiều ở tầng 2 của ngôi nhà này mà không nghiên cứu cấu trúc tầng 1 có đủ chịu lực nếu cải tạo hay không. Chính vì thế, ngôi nhà sập là do việc cải tạo không đúng cách và không có sự nghiên cứu kỹ trước khi cải tạo.
Điều này đáng lo ngại vì ở Việt Nam đôi khi không có sự nghiên cứu một cách hệ thống khả năng chịu lực và kết cấu của các ngôi nhà trước khi cải tạo chúng. Tuy nhiên điều này lại vô cùng quan trọng đối với các nhà cổ ở Hà Nội đã được xây dựng từ 90 - 100 năm trước. Hơn nữa, những ngôi nhà này là di sản nên phải có những nghiên cứu sâu về độ vững chãi của chúng.
Ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo đã được xây dựng từ năm 2007. Ngôi nhà này được xếp vào danh sách các di sản đặc biệt vì nó là ví dụ điển hình của kiểu nhà Pháp cổ do có sự hài hòa với các ngôi nhà bên cạnh, với tổng thể kiến trúc thành phố và do các giá trị văn hóa của nó. Chắc chắn, đây là di sản có giá trị của Hà Nội và phải được bảo tồn, phát huy.
Vậy Hà Nội và vùng Ile de France đã và đang hợp tác như thế nào trong việc bảo tồn các kiến trúc Pháp cổ?
- Hà Nội là một trường hợp khá thú vị trong khu vực Đông Nam Á. Đó là một thành phố cổ với nhiều di sản và những di sản ấy thật sự rất hay để nghiên cứu.
Nếu nói về những điểm mạnh để có thể phát huy di sản này, đó chính là Hà Nội đã xếp hạng các di sản và thành lập cơ quan quản lý các di sản này. Các bạn có Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với những cơ quan dưới Bộ phụ trách về bảo tồn di sản. Hiện có một danh sách các di sản được xếp hạng Di sản Quốc gia ở Hà Nội. Điều đó là rất quan trọng vì không phải ở đâu cũng có danh sách các di sản được xếp loại.
Hà Nội có những quy định về bảo tồn các khu phố cổ, các quy định bảo tồn cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vừa rồi là quy định bảo tồn khu phố Pháp.
Thách thức các bạn gặp phải đó là làm thế nào để mọi người tuân thủ các quy định đó. Chính vì thế phải có quy định kiểm tra và quy định này theo tôi biết vẫn chưa có. Các bạn còn chưa có cả kiến trúc sư phụ trách các công trình cổ giống như ở Pháp - đó là những người được đào tạo đặc biệt về các công trình cổ và họ có những năng lực đặc biệt để nghiên cứu về các ngôi nhà cổ.
Ở Việt Nam cũng có những nhóm kiến trúc sư bắt đầu quan tâm đến các công trình cổ nhưng công việc của họ còn chưa được các Sở, ngành biết đến nhiều. Vì thế các bạn cần phải đào tạo họ.
Một điều rất cần nữa là phải tìm ra các quy định về trợ giúp tài chính cho những người sở hữu nhà vì các công trình cổ không phải chỉ do Nhà nước hay thành phố Hà Nội quản lý, mà còn do cá nhân quản lý.
Ở Pháp, Chính phủ hỗ trợ ngân sách cho các hộ sở hữu công trình cổ để họ có thể cải tạo ngôi nhà của mình đúng cách nhằm bảo tồn di sản. Điều này quả thật không đơn giản và mỗi nước phải tìm cho mình cách làm riêng. Tuy nhiên đối với Việt Nam, tôi nghĩ đã đến lúc các bạn phải tìm ra cách để có nguồn tài chính trợ giúp các cá nhân trong việc bảo tồn di sản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!