Niên đại chính xác của các di tích này còn phải đợi kết quả các phân tích, nghiên cứu bổ sung, song các nhà khảo cổ học trong Đoàn hợp tác quốc tế đã có cơ sở để dự đoán các di tích này có tuổi từ 770-800 ngàn năm, ở Việt Nam và Đông Nam Á chưa đâu tìm thấy di tích cổ xưa như vậy. Đó là kết quả ban đầu của công trình khai quật An Khê do Viện Khảo cổ học Việt Nam công bố.
Ngoài việc khai quật 2 di tích trên, năm 2016, Đoàn khảo cổ học Việt - Nga còn tiến hành điều tra phát hiện mới một số di tích thời đại Đá cũ ở An Khê, trong đó đáng chú ý nhất là 11 di tích và 2 rìu tay mới thuộc sơ kỳ Đá cũ.
Trên thế giới, những địa điểm tìm thấy công cụ đá như ở vùng An Khê và có niên đại như vậy từng là nơi sinh sống của Người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên của Người hiện đại (Homo sapiens).
Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga, kết quả khai quật ở An Khê sẽ bổ sung Việt Nam vào bản đồ thế giới về quê hương của loài người. Dự án khai quật sẽ được tiếp tục trong năm 2017, còn trong năm nay sẽ diễn ra một hội nghị khoa học quốc tế về kết quả và những giá trị khảo cổ tại An Khê.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!