Quan hệ Việt - Trung: Những giá trị từ lịch sử

Anh Phương - Thanh Xuân (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 03/11/2015 22:30 GMT+7

VTV.vn - Mối quan hệ Việt - Trung được xây dựng dựa trên niềm tin và sự chân thành mà những nhà lãnh đạo tiền bối đã dày công vun đắp.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 5/11 và 6/11.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong vòng 9 năm qua và diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ giúp hai bên cùng nhìn lại truyền thống tốt đẹp, kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong tiến trình thúc đẩy sự nghiệp cách mạng và phát triển của cả hai nước.

Tháng 6/1925, tại căn nhà ở đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở lớp đào tạo đầu tiên những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Địa chỉ đỏ này của Cách mạng Việt Nam đã được thành phố Quảng Châu trân trọng lưu giữ, ngày nay được nhắc đến như một minh chứng của mối quan hệ Việt - Trung.

Niềm tin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Trung Quốc gây dựng ngay từ buổi đầu cách mạng đã đưa quan hệ Việt - Trung vượt lên trên quan hệ của những láng giềng gần gũi. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời tuyên bố vào ngày 14/1/1950, trong đó nhấn mạnh sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam.

Ông Tề Kiến Quốc - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung - Việt cho biết: "Lúc đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đang thăm Liên Xô, sau khi nghe được tin này, chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, đã 3 lần điện về Bắc Kinh, yêu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phái cử cán bộ sang Trung Quốc tham gia hoạt động cách mạng, ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cử chiến sĩ sang Quảng Tây, triển khai chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp đỡ chúng tôi diệt phỉ".

Ông Hoàng Quần - nguyên thành viên Đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, từng là Hoa Kiều, tham gia cách mạng Việt Nam và được gửi về Trung Quốc để trở thành cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở tuổi đã hơn 80, mong mỏi của ông là làm sao thế hệ ngày nay ở cả hai nước gìn giữ được những giá trị mà những nhà lãnh đạo tiền bối đã dày công vun đắp.

Mối quan hệ Việt - Trung được xây dựng dựa trên niềm tin và sự chân thành mà những nhà lãnh đạo tiền bối đã gây dựng nên. Đó là tài sản quý giá và cũng là kim chỉ nam để những thế hệ ngày nay ở cả hai nước tiếp nối nhằm xây dựng mối quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh và ổn định.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước