Tham gia AEC, Việt Nam có thêm nhiều việc làm

Lê Dũng - Mạnh Hà (Thường trú Đài THVN tại Singapore)-Thứ năm, ngày 31/12/2015 18:11 GMT+7

VTV.vn - Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.

Hôm nay (31/12), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập, đánh dấu bước tiến quan trọng đối với ASEAN trên con đường tiến tới một thị trường duy nhất, tiếp thêm động lực mới cho nền kinh tế khu vực. Một trong những mục tiêu chính mà AEC hướng tới là tự do hóa của lao động lành nghề trong ASEAN.

Năm 2015, có 8 ngành nghề lao động đã được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Ngoài ra, còn có các chuyên gia và thợ lành nghề, là những người có chuyên môn cao và thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Đây là những nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội do AEC đem lại.

Trong AEC, để lao động di chuyển tự do và hiệu quả hơn, các nước thành viên cần phải có sự chuẩn bị tốt cho quá trình này.

Ông Ong Keng Yong - Cựu Tổng Thư ký ASEAN - cho biết: "Có hai nhân tố tham gia vào quá trình luân chuyển lao động là nước gửi lao động và nước tiếp nhận lao động. Điều quan trọng là mỗi nước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nhất định. Nước gửi lao động phải đảm bảo rằng, lao động của họ cần được chuẩn bị tốt, sẵn sang làm việc ở nước khác. Còn nước tiếp nhận lao động phải đảm bảo rằng họ có chính sách tốt cho lao động, với mức lương thỏa đáng, điều kiện sống đảm bảo".

Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực thi AEC, những rào cản cho sự luân chuyển lao động có thể có như yếu tố không đồng đều trong chất lượng đào tạo hay yếu tố rào cản về ngôn ngữ.

Bà Sanchita Basu Das - Trưởng nhóm kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS - cho biết: "Không hẳn là không có trở ngại trong quá trình luân chuyển. Ví dụ về chuyên môn đối với kỹ sư và kiến trúc sư, một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore sẽ có chuyên môn cao hơn một người tốt nghiệp ở Lào. Không những vậy, mỗi quốc gia lại có những quy định riêng. Ví dụ, Thái Lan sẽ kiểm soát chất lượng lao động qua các bài kiểm tra tay nghề bằng tiếng Thái. Chính vì vậy, những lao động từ Singapore muốn đến Thái Lan làm việc bắt buộc phải học tiếng Thái. Điều này cũng tương tự như ở Indonesia, lao động nước ngoài sẽ phải học tiếng Bahasa. Những hạn chế này sẽ vẫn còn tồn tại trước khi AEC được thực thi hoàn toàn".

Với sự nỗ lực, đồng thuận của các thành viên, thị trường lao động trong ASEAN sẽ ngày một sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước