“Dự án các trường đại học theo mô hình mới” do Chính phủ đưa vào thực hiện năm 2008 nhằm thành lập bốn trường đại học xuất sắc đạt chuẩn quốc tế cho Việt Nam với sự hỗ trợ của 4 quốc gia đối tác là Anh, Pháp, Đức, Nhật. Các trường sẽ tuân theo mô hình đại học của các quốc gia đối tác.
Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH) hay Đại học Pháp - Việt là một trong bốn trường đại học công lập quốc tế trong dự án này. Thành lập từ năm 2009, tới nay trường đã đào tạo hàng trăm sinh viên, rất nhiều trong số đó đã được nhận học bổng Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh tại các trường đại học hàng đầu châu Âu. Theo đánh giá, mô hình đào tạo kết hợp nghiên cứu, giảng dạy và thực hành như của USTH sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về lao động khoa học chất lượng cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Các ngành đào tạo tại USTH được lựa chọn dựa trên nhu cầu và định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam như: công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, môi trường, năng lượng, công nghệ thông tin...
USTH là trường đại học gắn liền với nghiên cứu khoa học, chú trọng thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn và có mạng lưới kết nối với hệ thống công nghiệp tiên tiến của Việt Nam và quốc tế để đảm bảo đầu ra việc làm cho sinh viên.
“Đây là một mô hình rất tốt, vừa có sự nỗ lực của Việt Nam, vừa có sự đóng góp không nhỏ của hơn 40 đại học và cơ quan nghiên cứu của Pháp, đã cử giảng viên sang đây với hơn 200 chuyến công tác mỗi năm, đã đón các sinh viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu. Đây là một mô hình rất tuyệt vời cần phải được nhân rộng”, bà Eva Nguyễn Bình - Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nói.
Hiện dự án xây dựng trụ sở Trường Đại học KHCN Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc vẫn đang tiếp tục tiến hành. Dự kiến đến năm 2020, trường sẽ tiếp nhận 8.000 sinh viên và triển vọng năm 2030 sẽ được xếp vào Top 200 các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!