Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, hôm qua (6/1), hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về hành động này của Trung Quốc, hôm nay (7/1), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố:
"Một lần nữa, Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.
Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế".
Ngày 6/1/2016, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thông báo tới Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thông báo: Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các tàu bay này hoạt động từ mực bay FL180 đến FL265, cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không, không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh. Hoạt động của các tàu bay nêu trên có khả năng vi phạm các quy định của ICAO và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bay trong khu vực.
Cùng với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và phản ứng của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, báo chí nước ngoài đưa nhiều tin về việc lần thứ 2 trong vòng 5 ngày Trung Quốc cho máy bay hạ cánh xuống đá Chữ Thập.
Báo chí nhiều nước đưa theo Reuters cho rằng, hành động mới này sẽ bị Việt Nam lên án như cách đây 4 ngày khi Trung Quốc cho một máy bay đáp lên đá Chữ Thập trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại đây; đồng thời, đưa tin Philippines - một trong số các nước có tranh chấp tại vùng Biển Đông với Trung Quốc - cũng dự định sẽ có hành động phản đối tương tự.
Trước đó, phản ứng về việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ra sân bay phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Chính phủ nước này đang xem xét phản đối và cho rằng hoạt động bay thử nghiệm của Trung Quốc "càng làm leo thang căng thẳng và bất ổn ở khu vực".
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói: "Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc. Đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực, biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành sự đã rồi". Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Pooja Jhunjhunwala bày tỏ lo ngại chuyến bay sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.