Nghề chạm khắc gỗ, làm đồ sơn có truyền thống lâu đời của người Việt. Cùng với lịch sử các triều đại phong kiến, sự phát triển của các tôn giáo, tín ngưỡng, những sản phẩm đồ sơn son thếp vàng đã trải qua thăng trầm và hưng thịnh, là một phần văn hóa của người Việt. Để lưu giữ nét truyền thống này, một triển lãm mang tên Nét vàng son, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hoành phi câu đối thế kỷ 19; Kiệu bát cống thế kỷ 18 hay những pho tượng Phật… là những tác phẩm điêu khắc sơn son thếp vàng quý hiếm từ thời nhà Lê, được bảo tồn và gìn giữ cho đến ngày nay. Đây đều là những hiện vật thuộc tài sản quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Tiến sĩ Trần Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết: "Chúng tôi chọn lựa ra hơn 100 hiện vật, chủ yếu là thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn trưng bày một phần sưu tập hiện vật sơn son thếp vàng, những hiện vật này có vai trò rất lớn trong đời sống sinh hoạt, đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt ở Việt Nam".
Những dấu tích đồ gỗ sơn son đã xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn từ 2.000 năm trước. Đồ gỗ sơn thếp với nét chạm khắc tinh xảo mang ý nghĩa tốt lành, cao quý gắn liền với những nơi tôn nghiêm như cung đình, thờ tự. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 11 năm nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!