Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là đề tài nghiên cứu của nhiều học giả Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20, trong số đó không thể không nhắc tới Jacques Dournes - nhà dân tộc học xuất thân từ một giáo sĩ đã có nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm xuất sắc mang tầm cỡ thế giới.
Mới đây, cuốn sách ảnh “Xứ Jarai” của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Một số bức ảnh đặc sắc trong cuốn sách này đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Nhân dịp này, một buổi tọa đàm cũng đã được tổ chức để giới thiệu về những nghiên cứu có giá trị của người được mệnh danh là “Người đàn ông của xứ Jarai”.
Những bức chân dung tuyệt đẹp về người Jarai do Jacques Dournes ghi lại vào những năm 1950-1960 được PGS-TS Andrew Hardy - Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác Cổ tại Việt Nam tìm thấy trong thư viện của Phái bộ Truyền giáo Hải ngoại tại Paris. Bộ ảnh 92 trang đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Xứ Jarai” và được xuất bản y như nguyên tác, bao gồm cả những dòng chữ viết tay của tác giả dưới mỗi bức ảnh.
Câu chuyện mà Jacques Dournes muốn kể đã được ba diễn giả giải thích trong buổi tọa đàm diễn ra đúng vào ngày khai mạc triển lãm. Thông qua những bức ảnh, Jacques Dournes muốn gián tiếp chứng minh mối quan hệ anh em giữa người Jarai ở Tây Nguyên với người Chăm ở vùng Đồng bằng duyên hải.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!