30 - 50% học sinh bỏ học nghề giữa chừng: Đâu là nguyên nhân?

Đức Hạnh - Hồng Việt (VTV9)Cập nhật 06:00 ngày 26/12/2019

VTV.vn - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các trường nghề trên địa bàn báo cáo về 30-50% học sinh bỏ học nghề giữa chừng.

Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, dự kiến đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS (15 tuổi) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Các chính sách khuyến nghề hiện nay đều hướng tới đối tượng này như: miễn học phí học nghề, tốt nghiệp THCS học liên thông lên cao đẳng. Tuy nhiên, chính các em lại là đối tượng dễ bỏ học nhất.

Tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, mỗi năm có từ 40 - 50% học sinh hệ trung cấp sau THCS bỏ học. Phần lớn tập trung ở những ngành: tự động hóa, cơ điện tử... Điều đáng nói, đây đều là những ngành thị trường lao động đang khan hiếm nguồn nhân lực.

Còn tại trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, tình hình cũng không khá hơn. Dù mỗi năm số lượng học sinh bỏ học giữa chừng có giảm nhưng cũng chỉ vài %. Trong khi đó, trong mỗi khóa học kéo dài 3 năm, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường chiếm đến 30% - 40%. Tình trạng bỏ học xuất hiện ở tất cả các ngành. Phần lớn học sinh bỏ học ngay từ học kỳ 1 của năm thứ nhất.

Dù có khả quan nhưng tỷ lệ bỏ học giữa chừng tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng dao động từ 15 - 17%. Chỉ riêng năm 2016, tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 20%. 10% là tỷ lệ học sinh bỏ học ít nhất được ghi nhận cho đến thời điểm này của trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM.

Chuyện bỏ học giữa chừng là không mới tại các trường nghề. Thậm chí, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Có điều các trường không nói ra vì cho rằng đó là vấn đề cá nhân của từng trường và mỗi trường có cách tự điều chỉnh. Tuy nhiên, khi con số bỏ học giữa chừng luôn duy trì ở mức 30 - 50%, thậm chí ngay cả khi đã thực hiện nhiều chính sách phân luồng sau THCS, đây không còn là chuyện riêng của mỗi trường. Do đó, nên chăng cần xem lại việc hướng nghiệp, tuyển sinh, dạy và học nghề hiện nay.

Phần lớn quyết định lựa chọn nghề nghiệp ở những em 15 tuổi vừa tốt nghiệp THCS là của phụ huynh và quá trình tư vấn hướng nghiệp lại chưa chú trọng đến đối tượng này. Bên cạnh đó, nội dung tư vấn hướng nghiệp hiện nay tại các trường THCS vẫn còn dàn trải.

Các trường nghề hiện nay cho phép học sinh được thay đổi ngành học so với đăng ký ban đầu với mục đích giúp các em được học ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, không phải em nào cũng biết được mình thích gì, nhất là ở độ tuổi còn ham chơi hơn ham học này. Trong khi chờ giải pháp đồng bộ và vĩ mô, mỗi trường đã có những cách làm riêng để giữ chân sinh viên, bắt đầu phối hợp với phụ huynh để nắm tâm lý của trẻ, hướng trẻ chọn nghề theo đúng năng lực và sở thích bởi chỉ khi đam mê với nghề, học sinh mới không từ bỏ.


Kết nối doanh nghiệp - trường nghề: Mang lại nhiều lợi ích nhưng còn vướng mắc Kết nối doanh nghiệp - trường nghề: Mang lại nhiều lợi ích nhưng còn vướng mắc

VTV.vn - Thủ tướng đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất hiệp ước xã hội - cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.