Nếu nhìn lại chặng đường khoảng 10 năm qua, ngành tôm nước ta đã phát triển và có nhiều đột phá. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tôm ngày càng mạnh mẽ. Việc vận hành quy trình sản xuất mới với những thiết bị hiện đại đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Bạc Liêu mỗi năm cung cấp gần 100 sinh viên chuyên ngành thủy sản cho thủ phủ tôm và các tỉnh lân cận. Giải pháp mà nhà trường đưa ra để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là liên kết với doanh nghiệp để đào tạo. Đối với mô hình liên kết này, thay vì học lý thuyết ở nhà trường, sinh viên còn được làm quen, cọ xát với thực tế công việc tại doanh nghiệp. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ được nâng cao mà việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo còn mang lại hiệu quả khi sinh viên ra trường luôn được nhà tuyển dụng mời gọi.
Môi trường làm việc cũng là yếu tố trực tiếp tác động đến năng suất, chất lượng nguồn nhân lực. Ý thức được điều này, các đơn vị đầu ngành luôn quan tâm tạo môi trường tốt nhất cho người lao động. Một doanh nghiệp không chỉ chủ động đi tìm người giỏi mà còn mạnh dạn giao việc đúng với sở thích, chuyên môn của nhân viên, đặc biệt là luôn tạo điều kiện tốt nhất để nhân viên có cơ hội thể hiện năng lực và thăng tiến trong công việc.
Liên kết đào tạo, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp… là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng và thu hút cũng như giữ chân được đội ngũ giàu chất xám cho lĩnh vực này. Đây là yếu tố quan trọng, cấp bách cần được các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn bởi ngành tôm Việt Nam đang trong quá trình công nghệ hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!