Từ những năm 1930, một người đàn ông Triều Châu tên Triệu Mộc đã chọn Chợ Lớn làm nơi dừng chân. Hành trang ông mang theo người, đó là nghề truyền thống của gia đình: làm bánh pía và các loại kẹo. Bánh pía có nguyên liệu chính là bột mì, trứng muối, đậu xanh, khoai môn. Khoai môn, đậu xanh sau khi được hấp sẽ được xay nhuyễn và trộn với đường. Khâu vỏ bánh là khâu quan trọng, với một chuỗi thao tác cán, cuộn bột mì, và chồng 2 lớp bỏ lên nhau nhưng không được quá dày hay quá mỏng. Người thợ phải gói đều tay và tạo ra chiếc bánh tròn đẹp. Sau đó, bánh sẽ được đem đi nướng. Mỗi một gia đình sẽ có một bí quyết nướng riêng, điều này tạo ra hương vị khác biệt cho bánh pía của mỗi nhà. Bánh sau khi gói sẽ được đem đi nướng. Cách nướng thì tùy theo bí quyết của mỗi gia đình mà tạo ra bánh thơm ngon ra sao.
Bánh pía là chiếc bánh của sự tâm huyết và tỉ mỉ. Nhưng ẩm thực không chỉ đơn thuần là làm bếp, là ăn uống, mà còn là thưởng thức và thấu hiểu món ăn qua những câu chuyện văn hóa. Bánh rất quan trọng với không chỉ người Tiều mà còn người Hoa nói chung. Người Hoa sẽ ăn bánh trong dịp Lễ, Tết, Trung Thu,.... Đặc biệt, trong đám cưới của người Tiều bánh pía cùng với kẹo đậu phộng và kẹo dẻo như lời bày tỏ câu chúc mừng tốt đẹp đến tân lang tân nương. Khi nhà nào gả con gái, trong phần thách cưới sẽ luôn có những hộp bánh có hoa văn hình long phụng màu đỏ bên trong bao gồm bánh pía và 2 loại kẹo kể trên.
Những tâm hồn phóng khoáng cùng với sự tỉ mỉ, tận tâm của những người đang không ngừng giữ lửa văn hoá ẩm thực nơi đây đã giúp gìn giữ và lan tỏa tinh thần ẩm thực, nét văn hóa đặc trưng của người Hoa Chợ Lớn. Bánh pía giờ đây đã không chỉ là một loại bánh của riêng cộng đồng người Hoa, mà đã trở thành một đặc sản, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!