Cụ thể, 72,1 triệu lao động trẻ em tập trung ở châu Phi; 62,1 triệu trẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 10,7 triệu trẻ em ở châu Mỹ, còn lại tập trung ở Arab, châu Âu và Trung Á. Hầu hết lao động trẻ em làm việc không lương để phụ giúp gia đình, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, điện tử và khai thác, còn lại là làm việc nhà, phần lớn là trẻ em gái. Tính riêng tại Indonesia, khoảng 700.000 em gái phải đi giúp việc cho các gia đình.
Hơn một nửa số lao động trẻ em phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, môi trường độc hại, bị cưỡng bức lao động, làm những việc phạm pháp bao gồm: buôn ma túy, mại dâm, thậm chí trở thành binh lính trẻ em Riêng ở Mỹ Latin, lao động trẻ em được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia. Năm 2014, Bolivia đã hạ độ tuổi lao động hợp pháp, cho phép trẻ được lao động từ 10 tuổi trở lên.
Hiện, Bangladesh ở khu vực Nam Á là nơi có tình trạng lạm dụng lao động trẻ em nghiêm trọng nhất. Tại đây, có đến 4,8 triệu trẻ em dưới 14 tuổi phải làm việc sớm với thời gian trung bình là 64 tiếng/tuần và nhận lương chưa tới 2 USD/ngày. Tiếp theo là Cộng hòa Chad, CHDC Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Somalia.
Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề đáng quan tâm khi có khoảng 2,8 triệu trẻ em phải tham gia lao động, trong đó các em ở độ tuổi từ 15 - 17 chiếm tới 60%. Gần 85% lao động trẻ em sống ở khu vực nông thôn và 65% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng này là sự kết hợp nhiều yếu tố:
- Nhận thức bảo thủ của cha mẹ như: con gái không cần học nhiều như con trai, thay vào đó là làm việc nhà; muốn rèn luyện và xây dựng kỹ năng sống cho con từ nhỏ, hoặc bắt con sớm nối nghiệp mình.
- Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất chính là do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, con đông, cái ăn cái mặc luôn túng thiếu. Để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ, các em buộc phải dừng việc học để bươn chải kiếm sống.
Thực trạng này đã đẩy hàng triệu trẻ em trở thành lực lượng lao động bất đắc dĩ tại một số quốc gia. Các em chỉ có một lựa chọn: làm việc hoặc chết đói. Mong rằng với sự nỗ lực của các chính phủ, tổ chức, thế giới sẽ sớm không còn cảnh trẻ em phải lao động mưu sinh, không có những tuổi thơ bị đánh cắp, trẻ em được sống đúng nghĩa là những đứa trẻ, là mầm non, tương lai của đất nước và của thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!