Nhiều người ắt hẳn chưa thể quên cái chết thương tâm của em học sinh lớp 7 trường THCS Bạch Đằng quận 3, TP.HCM do cây phượng ngã đổ trong sân trường. Không chỉ ở trường Bạch Đằng, còn nhiều sự cố cây phượng ngã đổ đã xảy ra.
Các sự cố đó đã khiến nhiều trường đã chọn giải pháp chặt bỏ cây cho an toàn. Bởi lẽ, không ai dám mạo hiểm khi không biết được sức khỏe thật sự cái cây mà mình quản lý. Cây phượng không có lỗi, đó là điều ai cũng biết. Nhưng chặt bỏ nó đi thì vẫn hơn là sống trong nỗi sợ mang tên "trách nhiệm". Bất chấp điều đó đồng nghĩa với việc học sinh sẽ ngày càng không có mảng xanh.
Vào ngày 28/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo các Sở ban ngành không để xảy ra tình trạng chặt cây bừa bãi trong trường học. Theo tiến sĩ Đinh Quang Diệp, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM, chặt cây chỉ khiến các trường học mất đi mảng xanh một cách nghiêm trọng. Sở dĩ cây ngã đổ là do không đảm bảo quy trình chăm sóc, giám định cây chứ không phải là do cây nguy hiểm. Ở tầm cao hơn, biến đổi khí hậu đã khiến điều kiện tự nhiên ở TP.HCM thay đổi khá nhiều so với trước kia. Do đó, chuyện trồng cây gì, trồng ở đâu cần phải được tính toán lại trong quy hoạch, nhất là sau khi hàng loạt các cây to, cây cổ thụ ngã đổ ngay khi mùa mưa mới bắt đầu.
Bác Hồ đã từng nhấn mạnh Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Điều này cho thấy trồng cây là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Đó là chưa kể, diện tích cây xanh bình quân tại TP.HCM còn quá thấp so với tiêu chuẩn (0,5m2/ người so với yêu cầu 10m2/người). Câu chuyện cây ngã đổ gây chết người sẽ luôn là một bài học đắt giá với những người làm công tác quản lý, với cả chúng ta để nhắc nhở rằng, trồng cây đã khó, quản lý chăm sóc giữ gìn nó còn khó hơn rất nhiều lần./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!