TP.HCM đang có 6.500 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn buộc phải cắt giảm lao động. Nên con số lao động ở TP.HCM bị mất việc là hơn 606.000 lao động. Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất đối với người lao động trong nhiều năm qua. Và họ là đối tượng đang chịu nhiều tổn thương.
Khó khăn không chỉ dừng lại ở những người lao động mất việc, mà khó khăn còn kéo thêm nhiều người khổ thêm. Bởi xung quanh người lao động còn có nhiều người phụ thuộc, như: con em chưa đến tuổi lao động, cha mẹ, người thân ngoài độ tuổi lao động, không có khả năng lao động… Do đó, để người lao động không ở lại phía sau, TP.HCM đang triển khai nhiều pháp để giải quyết việc làm cho người lao động mất việc.
Từ ngày 1/6 đến nay, mỗi ngày, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tiếp nhận hơn 12.500 hồ sơ trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp, trung tâm còn phải tư vấn giới thiệu việc làm cho những người bị mất việc bằng cách kết nối họ với nhà tuyển dụng, tư vấn, giới thiệu với các doanh nghiệp cần lao động, đồng thời còn tổ chức đào tạo nghề để họ có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đến nay TP.HCM đã giải quyết cho 490.000 người lao động tìm được việc làm. Nhưng số người lao động mất việc sẽ còn tăng thêm nhiều, bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã có thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm lao động.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, người lao động nên đến 7 chi nhánh của Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết theo quy định.
Đặc biệt mỗi tháng 2 lần TP.HCM còn tổ chức ở các điểm sàn giao dịch việc làm để người lao động được trực tiếp gặp doanh nghiệp tuyển dụng tìm việc. Đây là một giải pháp rất thiết thực. Ở mỗi phiên giao dịch thường thu hút từ 200 – 300 lao động thất nghiệp, lao động tự do và khoảng từ 10 – 15 doanh nghiệp hoạt động trên đủ mọi lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, sản xuất.
Ngoài hình thức đăng tuyển trực tiếp, để giúp cho người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm phù hợp hơn, Trung tâm dịch vụ việc làm cùng với 6 chi nhánh trên khắp địa bàn TP.HCM còn tổ chức tuyển dụng trực tuyến, online...
Bên cạnh những người lao động ở lại TP.HCM để tìm việc thì có không ít người trở về quê để tìm kiếm công việc mới trên chính quê hương mình. Hiện tại các địa phương đã có nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống này, hỗ trợ người lao động tìm việc.
Bến Tre là một trong những địa phương ở khu vực phía Nam được đánh giá tốt trong việc nâng tầm nguồn lao động khi hợp tác với Nhật Bản đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh đang xúc tiến phương án liên kết hỗ trợ đầu ra cho người lao động sau khi đào tạo.
Trong cuộc họp lấy ý kiến xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn sắp đến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ ưu tiên các chương trình đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số và khởi nghiệp cho lao động trẻ. Đây vừa là định hướng phù hợp với thực tế thời điểm này, vừa có ý nghĩa phát triển bền vững trong 10 năm tới.
Như vậy, người lao động có xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp và địa bàn làm việc sẽ không lo thiếu việc làm, bởi các hợp tác xã và làng nghề ở một số địa phương phía Nam hiện đang hoạt động khá tốt. Kết hợp với việc được định hướng và hỗ trợ đào tạo, đây sẽ là cơ hội để người lao động gỡ khó trong bối cảnh hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!