Nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam

Thanh Chương - Phú Cường (VTV9)Cập nhật 09:09 ngày 03/07/2019

VTV.vn - Đã qua gần 2 năm qua nước ta vẫn chưa gỡ bỏ được thẻ vàng của EU do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép diễn biến phức tạp.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, số vụ vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài tiếp tục tăng so với 2017. Trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp với 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận. Đặc biệt, tại tỉnh Kiên Giang có 22 tàu, 237 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép trong 4 tháng đầu năm nay.

Việc triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu là hướng đến đảm bảo khai thác một cách bền vững. Trong thời gian qua, nước ta đã hoàn thiện phần lớn khung pháp luật như: Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26, Nghị định 42… Theo đó, từ ngày 5/7, tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng đến mức 1 tỷ đồng. Hiện nay, các tỉnh ven biển đang tập trung tuyên truyền, đốc thúc ngư dân thực hiện quy định này.

Không chỉ quản lý phương tiện ra khơi, việc minh bạch nguồn gốc hải sản của Việt Nam cũng đang được siết chặt. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, hiện nay nhiều ngư dân đã chủ động hợp tác với các ngành chức năng giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản được thuận lợi hơn.

Để cập cảng cá, chủ tàu phải báo trước cho Ban quản lý ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Ngoài việc phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, ngư dân phải ghi nhật ký khai thác chi tiết, tỉ mỉ khối lượng của từng loại cá, thời gian bắt, vị trí bắt… Điều này hoàn toàn khác với thói quen cũ ra, vào tự do của bà con.

Nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép nhật ký khai thác, cơ quan chức năng sẽ không xác nhận nguồn gốc hải sản, doanh nghiệp cũng không thể thu mua sản phẩm để chế biến. Việc ghi chép có thể theo dạng hồi ký nhưng phải đầy đủ, chính xác. Chuyện ghi và nộp nhật ký khai thác là yêu cầu bắt buộc, việc này không phải là quá khó, không thể thực hiện được. Chính vì vậy, việc ghi nhật ký đánh bắt theo kiểu đối phó, hời hợt sẽ không được chấp nhận, khi đó thiệt hại của ngư dân là không nhỏ.

Từ khi bị thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã giảm từ 4 - 20% với hàng triệu USD mỗi năm. Trong khi thời gian xem xét thẻ vàng đang bị kéo dài, nhiều người lại lo ngại nguy cơ bị rút thẻ đỏ. Việc này sẽ không xảy ra khi ngư dân thay đổi thói quen đánh bắt lâu nay cũng như chủ động hợp tác, tuân thủ các quy định theo hướng khai thác bền vững.


Giải quyết thế nào những vướng mắc trong sự cố 'thẻ vàng' của hải sản Việt Nam? Giải quyết thế nào những vướng mắc trong sự cố "thẻ vàng" của hải sản Việt Nam?

VTV.vn - Việc phải đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc trong việc khai thác hải sản theo quy định của EC là rất cấp bách.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.