Phú Quốc ngập lịch sử: Thiên tai hay nhân tai?

Đặng Công - Phú Cường (VTV9)Cập nhật 06:02 ngày 21/08/2019

VTV.vn - Từ ngày 2 - 9/8, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã chứng kiến đợt ngập lịch sử, đường biến thành sông, hơn 8.000 căn nhà bị ngập, khoảng 2.000 người phải di tản.

Phú Quốc là một hòn đảo xinh đẹp ở tỉnh Kiên Giang. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường du lịch của nước ta khi có những bãi cát dài thơ mộng. Mỗi năm, có hàng nghìn du khách quốc tế đến với hòn đảo này. Tuy nhiên, Phú Quốc phải chứng kiến một đợt ngập mà nhiều người gọi là trận ngập lịch sử. Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã họp báo công bố những thiệt hại cũng như nguyên nhân khiến đảo Phú Quốc bị ngập.

Theo UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, có 63km đường bị ngập từ 0,7 - 2m, 8.424 căn nhà bị ngập trong nước, khoảng 2.000 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Ngoài ra, còn có thiệt hại về hoa màu, gia cầm, thủy sản nuôi. Tổng thiệt hại là hơn 107 tỷ đồng. Trong thời gian xảy ra ngập lụt cục bộ, địa phương đã huy động 1.567 người, 752 phương tiện gồm: ô tô, xe tải, xe máy và xuồng, ghe di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Lý giải về nguyên nhân ngập, UBND huyện Phú Quốc đã đưa ra một con số khiến nhiều người giật mình. Lượng mưa ở Phú Quốc từ ngày 2 - 9/8 là hơn 1.000mm, chiếm 1/3 lượng mưa trung bình cả năm. Mưa lớn lại tập trung vào cùng một thời điểm khiến hệ thống cống thoát nước vốn đã xuống cấp không thể thoát nước kịp.

Hệ thống cống cũ bị hư hỏng, trong khi hệ thống cống mới xây dựng gần đây không phải huy tác dụng thoát nước. Nguyên nhân là do thời gian Phú Quốc có mưa lớn trùng với thời điểm triều cường dâng cao. Thay vì làm chức năng thoát nước, hệ thống cống mới lại dẫn nước biển vào vùng trũng, khiến Phú Quốc bị ngập nặng hơn.

Đó là những nguyên nhân khách quan khiến Phú Quốc ngập sâu trong đợt mưa lớn vừa qua. Tuy nhiên, có một nguyên nhân chủ quan đến từ phía con người, đó là tình trạng lấn chiếm sông suối tự nhiên, khiến dòng chảy thoát nước bị tắc nghẽn. Ở Phú Quốc, tình trạng người dân cất nhà, lấn sông, suối tự nhiên là rất phổ biến. Nếu như trước đây thị trấn Dương Đông chỉ có khoảng 12.000 dân, nay con số này đã lên đến 50.000. Để có nơi cư ngụ, người dân không ngại lấn sông, lấn suối.

Chính vì sự buông lỏng quản lý của địa phương, không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp cũng lén lút lấp suối, lấp sông thi công các khu nghỉ dưỡng. Từ tháng 8/2018, Tổ kiểm tra xử lý vi phạm hành chính của Phú Quốc đã phát hiện và xử lý gần 300 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm sông, suối vẫn diễn ra ở nhiều nơi bởi ở Phú Quốc, tấc đất giờ đây là "tấc vàng".

Phú Quốc là một hòn đảo có sức hút lớn về du lịch. Đợt mưa lớn gây ngập lụt cục bộ vừa qua là cơ sở để giúp cơ quan chức năng và các nhà khoa học có sự nhìn nhận, đánh giá lại quá trình phát triển quá nhanh ở Phú Quốc trong một thời gian dài. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang có những điều chỉnh quy hoạch phù hợp để Phú Quốc phát triển bền vững hơn.

Trên 3.800 căn nhà ở Phú Quốc bị ngập sâu do mưa lớn Trên 3.800 căn nhà ở Phú Quốc bị ngập sâu do mưa lớn

VTV.vn - UBND huyện Phú Quốc cho biết, đến ngày 9/8, mưa lớn kèm nước biển dâng cao trên đảo Phú Quốc trong mấy ngày qua đã làm 3.874 căn nhà bị ngập.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.