Một giao diện thông thường của các app hoặc website cho vay không hề có một thông tin cụ thể về pháp lý, về địa chỉ, giấy phép, mà đập vào mắt là những thông tin hấp dẫn: “Vay 500 ngàn đồng đến 15 triệu đồng, giải ngân ngay lập tức, không giấy tờ chứng minh, lãi suất 0%". Chính vì thế, để người đi vay biết cách phân biệt đâu là app chính thống thì không hề dễ.
Bất cập khiến cho thị trường cho vay này đang bị nhiễu loạn là vì nó không hề chịu sự quản lý của ngân hàng Nhà nước mà đơn giản chỉ cần đăng ký giấy phép kinh doanh dưới dịch vụ tư vấn tài chính hoặc cầm đồ, và chịu sự quản lý theo luật doanh nghiệp.
Mặc dù pháp luật đều có quy định cụ thể kể cả quy trách nhiệm hình sự, nhưng nghịch lí là khi đã lao vào vòng xoáy này thì các con nợ đều không muốn kiện ra toà. Trước những bất cập này, các chuyên gia cho rằng nên thay đổi chế tài quản lý app cho vay và cả người đi vay.
Để minh bạch thị trường, thì việc siết chặt quản lý với hình thức cho vay này là cần thiết. Nhiều ý kiến còn cho rằng, cơ quan chức năng nên công khai đâu là những công ty fintech cho vay được cấp phép và lập các danh sách cho vay dạng app tín dụng đen để người dân theo dõi, cũng như phải áp mức trần cả lãi suất và các khoản phí thông qua số tiền thanh toán trên từng khoản vay qua app để giúp người dân hiểu, nắm thông tin để tránh sa vào các app cho vay không chính thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!