Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận định, các dự án của Nhật Bản thường có tính ảnh hưởng đến thị trường. Nhà đầu tư Nhật Bản đang ngày càng có xu hướng mở rộng đầu tư từ vốn cho đến ngành nghề sản xuất kinh doanh cũng như xác định làm ăn lâu dài tại trung tâm kinh tế của Việt Nam này. Ngành sản xuất - chế tạo của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày càng hướng tới xu hướng đầu tư vào những lĩnh vực tự động hóa công nghệ cao, giúp giải phóng sức lao động cho người công nhân và tăng năng suất lao động lên rất nhiều.
Riêng nguồn vốn FDI từ Nhật Bản được đánh giá là đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế TP.HCM trong suốt những năm qua. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến tháng 4/2019, Nhật Bản có gần 1.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 4,5 tỷ USD. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư dẫn đầu về tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM.
Đầu tư FDI trên địa bàn TP.HCM đã có sự thay đổi mạnh mẽ cả về lượng và chất. Từ con số khiêm tốn 16 dự án với tổng vốn đầu tư chưa đến 70 triệu USD cách đây hơn 30 năm, đến tháng 5/2019, TP.HCM đã có xấp xỉ 8.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!