Theo tính toán, 1% tăng trưởng GDP tại Việt Nam cần đến 2.2% tăng trưởng về sản lượng điện. Vì vậy, phát triển nguồn năng lượng mới cũng là yêu cầu cấp bách. Theo quy hoạch, đến năm 2030, phải xây dựng và đưa vào vận hành thêm 83.000MW nguồn điện mới. Đây là mục tiêu khá lớn của Việt Nam. Chính vì nhận thấy được nhu cầu đó, các nhà đầu tư ngoại đã quan tâm nhiều hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo mà tập trung là năng lượng mặt trời.
Dự án Nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 vừa mới đi vào hoạt động tại Long An sau 9 tháng thi công chính là thành công của Quỹ Đầu tư chủ quyền Việt Nam - Oman - VOI phối hợp với tập đoàn Bamboo Capital đã triển khai. Trong đó VOI với vai trò là nhà đầu tư chiến lược với phần vốn góp trên 30%. Với nhiều lợi thế, đầu tư năng lượng tái tạo đang trở thành nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự kiến, nhà máy này sẽ phát điện với sản lượng 57 triệu kWh/năm, gần bằng mức tiêu thụ điện trung bình của 22.000 hộ dân Việt Nam. Và sắp tới, 2 đơn vị sẽ tiếp tục kết hợp để đầu tư xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời mới có công suất lớn hơn nhiều lần.
Tỉnh Long An đến nay chỉ có 3/16 dự án hoàn thành hoà lưới điện quốc gia trước cột mốc 30/6 để hưởng ưu đãi, còn lại các dự án khác thì không kịp tiến độ. Vì thế, để tạo thêm thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh đã trình phương án xin kéo dài mức giá ưu đãi đến hết năm nay. Còn các đối tác nhà đầu tư ngoại như Singapore, Thái Lan, Pháp... cũng có đề xuất trong thời gian sắp tới ngành điện cần nghiên cứu phương án đầu tư các công trình lưới điện bằng hình thức cho ngành điện ứng vốn hoặc cho mượn không tính lãi suất và cần xây dựng hệ thống truyền tải phân vùng hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!