1. KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ, UY TÍN CỦA VIỆT NAM
Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX. Kết quả chuyến thăm góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn, và bất đồng được kiểm soát tốt hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Trong năm, các hoạt động đối ngoại tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các quốc gia láng giềng; các nước đối tác là minh chứng sinh động thể hiện việc triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.
Cũng trong năm nay, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Lần thứ hai được bầu vào Hội đồng này đã nâng tầm và tiếp tục khẳng định uy tín quốc gia.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều trụ cột lớn của Liên Hợp Quốc, từ chính trị, phát triển cho đến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.
2. CHIẾN DỊCH TIÊM VACCINE CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ
266 triệu mũi vaccine đã được tiêm; gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản; tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 80%, mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt hơn 93%.
Điểm tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, nhờ vậy dịch được kiểm soát, đưa cuộc sống trở lại bình thường, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
3. KINH TẾ VỀ ĐÍCH
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn và khó lường, lạm phát cao, nhiều đơn hàng bị cắt giảm nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức 8,02%, là mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua.
Quy mô nền kinh tế lần đầu tiên đạt con số khoảng 400 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng (13,5%) cao nhất trong 5 năm qua, tiếp tục cho thấy những lá phiếu tín nhiệm vào triển vọng của Việt Nam.
Kết quả này cho thấy nỗ lực vượt khó của Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của TW Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự ủng hộ của toàn dân và đặc biệt là sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Sự đồng lòng quyết tâm sẽ đưa Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức phía trước.
4. DẤU MỐC 15/3 PHÁ BĂNG CHO DU LỊCH
Ngày 15/3, ngày mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế thực sự là cú hích phá băng du lịch sau gần 2 năm lao đao. Năm 2022, Việt Nam là điểm đến của 3,5 triệu lượt khách quốc tế, chưa đạt kỳ vọng nhưng là tín hiệu khả quan để phục hồi. Du lịch nội địa bùng nổ khi đạt hơn 101,3 triệu lượt khách, vượt cả tổng lượng khách thời điểm trước COVID-19.
5. LỄ KHAI GIẢNG TRỰC TIẾP SAU GẦN 2 NĂM DỊCH BỆNH
Sáng 5/9, khoảng 24 triệu học sinh, giáo viên trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới. Sau 2 năm học trực tuyến giờ đây các em được đi học trực tiếp, được tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè. Đây thực sự là môi trường giáo dục toàn vẹn, góp phần thực hiện đổi mới giáo dục thành công.
Cô và trò Trường Tiểu học Trung Tự tưng bừng chào đón năm học mới 2022-2023. Ảnh: TTXVN
6. CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐI VÀO CHIỀU SÂU
Năm 2022, cuộc chiến chống tham nhũng đã đi vào chiều sâu. Tính đến cuối tháng 11, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can. Nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp….
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, dù mới được hình thành đã tích cực, chủ động đưa hàng trăm vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo đã cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã giảm dần.
7. MINH BẠCH THỊ TRƯỜNG
Lần đầu tiên, hàng loạt vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp bị xử lý. Dù có thời điểm gây rung lắc thị trường trong ngắn hạn nhưng phát đi quyết tâm mạnh mẽ làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh phù hợp; hoàn thiện pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
8. THỜI TIẾT CỰC ĐOAN, DỊ THƯỜNG
Năm 2022 là năm của những trận mưa lớn dị thường, vượt kỷ lục. Trận mưa trong chiều và đêm 14/10 ở Đà Nẵng lên tới 795mm. vượt xa lượng mưa kỷ lục trong một ngày từng ghi nhận tại đây là 635mm và cao hơn cả tổng lượng mưa trung bình của cả tháng 10.
Trận mưa lịch sử khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng bị ngập sâu. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Những sự bất thường này là hệ quả của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Công tác phòng chống thiên tai sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mọi quy luật thiên nhiên đang có nhiều biến động.
9. XUẤT NHẬP KHẨU ĐẠT KỶ LỤC MỚI
Hơn 700 tỷ USD là con số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, ước tính xuất siêu hơn 11 tỷ USD gấp hơn 3 lần năm 2021. Kết quả này càng ấn tượng hơn trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm.
Trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lần lượt đạt các mốc 500 tỷ USD, 600 tỷ USD vào năm 2020 và 2021, cho thấy sự đi lên tăng truởng ổn định và bền vững của Việt Nam.
10. SEA GAMES 31 VÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam đã tổ chức được kỳ Sea Games thành công nhất trong lịch sử. Với 446 huy chương, trong đó 205 huy chương vàng, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn, nhưng trên tất cả, Sea Games 31 sáng lên tình đoàn kết ASEAN, tinh thần thể thao cao thượng.
Hình ảnh khán giả Việt Nam cổ vũ cuồng nhiệt ở tất cả các môn thi đấu dù có vận động viên chủ nhà hay không đã thực sự chạm vào trái tim bè bạn quốc tế.
Vượt ra ngoài khuôn khổ một đại hội thể thao, Sea Games 31 là cơ hội khẳng định thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, mến khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!