12 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Huế, Cà Mau. Hiện đã có khoảng hơn 900.000 liều vaccine Pfizer đã được tiêm cho trẻ và chưa có trường hợp nào gặp phải phản ứng bất lợi. Tại tất cả các điểm tiêm đều có đội cấp cứu lưu động để đáp ứng khi có tình trạng sốc phản vệ.
Quy trình tiêm vaccine cho trẻ em được tuân thủ giống như quy trình tiêm chủng cho người lớn, sẽ chống chỉ định duy nhất với các trường hợp phản ứng phản vệ ở mức độ 2, trẻ em có các bệnh nền, mãn tính được chỉ định tiêm ở bệnh viện. Các tỉnh đều thống nhất, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi phù hợp tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Bộ Y tế cho biết, tất cả các địa phương đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho trẻ.
Được biết, hiện TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Đây là kết quả sau hơn 10 ngày tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: sau rà soát, số trẻ cần tiêm vaccine ở thành phố là hơn 660.000 em. Tính đến ngày 5/11, đã có hơn 641.000 em được tiêm. Như vậy là chiếm tỷ lệ hơn 97%. Hiện một số Trung tâm y tế vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.
Đồng Nai là một trong những địa phương đạt tiến độ tiêm cho trẻ nhanh. Ngoài lực lượng y tế, địa phương còn huy động nhiều lực lượng khác tham gia hỗ trợ, với tinh thần an toàn là quan trọng nhất. Tính đến 16h ngày 8/11, toàn tỉnh đã có hơn 33.000 trẻ được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Trong đó, khối lớp 12 đã được tiêm xong từ ngày 7/11. Những em đang đi học sẽ được bố trí tiêm tại cơ sở giáo dục, những em khác sẽ tiêm tại các điểm tiêm cố định hoặc lưu động do địa phương chọn, với tinh thần đảm bảo an toàn tối đa cho các em và không để ai bị bỏ sót.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tỷ lệ bao phủ vaccine là 80% với đối tượng trên 18 tuổi. Người đã tiêm đủ mũi 2 là trên 11%. Công tác đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm chủng cũng được chú trọng. Tuy nhiên hiện lực lượng y tế tại các tuyến xã còn mỏng, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phòng, chống dịch tại địa phương. Do đó cần sớm hỗ trợ, đào tạo chuyên môn và tạo điều kiện cho người dân được tiêm phòng sớm nhất có thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!