Ngày 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước với trẻ em, học sinh".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại Bộ GDĐT, Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH và các Sở GDĐT, Sở LĐTB&XH trong cả nước. Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GDĐT.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tính từ 5/2021 đến ngày 20/9/2021 cả nước xảy ra 54 vụ đuối nước làm 89 trẻ tử vong. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với 76,6%, tại gia đình là 22,4% và 1% số vụ xảy ra tại các trường học.
Mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước liên tục giảm qua các năm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Trong thời gian 10 năm, từ năm 2010 tỷ suất trẻ tử vong do đuối nước là 12,7/100.000 trẻ, đến năm 2019, tỷ suất này còn 6,8/100.000 trẻ. Tỷ suất này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước là do sự quản lý lỏng lẻo của các gia đình, sự thiếu nhận biết, kỹ năng của chính bản thân học sinh. Một nguyên nhân nữa là do nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác nhau.
Thông tin từ Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Bộ GDĐT cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 trong ngành Giáo dục.
Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTB&XH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đôi Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương chỉ đạo quản lý, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, học sinh. Phát động và tổ chức các lớp học bơi và kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè.
Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình quản lý, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện lại hệ thống văn bản, chương trình, kế hoạch hành động về phòng chống thương tích, đuối nước cho trẻ em và học sinh. Rà soát, sửa đổi tiêu chí, xây dựng mô hình trường học an toàn.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục với mục tiêu mỗi học sinh sẽ vận dụng được kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong cuộc sống, để tự bảo vệ bản thân.
Phát triển các câu lạc bộ bơi, các hoạt động bơi dành cho đối tượng học sinh. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành… để tổ chức các hoạt động, nhất là trong dịp nghỉ hè. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các cơ quan chức năng ở địa phương.
Quang cảnh tại điểm cầu Bộ GDĐT
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đề nghị các đơn vị cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em và học sinh. Đặc biệt cần nghiên cứu, số hóa các tài liệu để hướng dẫn an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước liên quan đến trẻ em, học sinh. Quan tâm nhiều hơn nữa đến các chỉ số an toàn trong trường học, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn, số hóa và tập trung sâu vào xây dưng các kho học liệu.
"Vấn đề an toàn cho trẻ và giáo dục thể chất cho trẻ em trong giai đoạn mới này cần phải đổi mới và có những những cách làm mới hơn. Phải đổi mới công tác tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức cho học sinh và cha mẹ học sinh đối với công tác phòng chống đuối nước", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói, đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp giữa giáo viên - gia đình - các đoàn thể ở địa phương để quản lý học sinh, nhất là trong những kỳ nghỉ dài như nghỉ hè để đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em.
Ngoài ra, các địa phương cần rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hay trong việc xã hội hóa cơ sở vật chất cho công tác dạy bơi cho trẻ em, học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!