Nhà báo, Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên là phóng viên báo Quân đội nhân dân, được coi là tay máy chuyên về đề tài mẹ Việt Nam anh hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn 40 năm qua, ông đã chụp khoảng 2.000 bức chân dung các mẹ Việt Nam, không chỉ là một nguồn tư liệu quý giá mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, những mảnh ghép tạo nên tượng đài chân dung mẹ Việt Nam anh hùng bằng nhiếp ảnh.
Mỗi lần xem lại, ngắm nhìn, chỉnh sửa kho ảnh là ông sống lại cảm xúc của mỗi lần bấm máy về các mẹ Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Hàng nghìn bức ảnh là hàng nghìn câu chuyện, chuyện nào cũng xúc động và còn nguyên vẹn cảm xúc dù đã qua mấy chục năm.
bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh (Hòn Ðất, Kiên Giang)
Ông kể rằng bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh (Hòn Ðất, Kiên Giang) cách đây hơn 30 năm đã để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất: "Lần ấy tôi mặc quân phục đi vào, bà chồm ra tưởng như con mình đã về. Lần đầu tôi gặp bà, hai mẹ con ôm nhau khóc, tôi không tài nào chụp được. Đến lần thứ tư tôi mới chụp được và đó là một trong những ảnh tôi thích nhất".
Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại.
Hay bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, người mẹ có 9 người con trai ra trận thì cả 9 con không trở về khiến cho bao con tim run lên vì xúc động. Nghệ sĩ Trần Hồng chia sẻ: "Bà luôn nói với tôi rằng 9 đứa thế nào cũng có một đứa về với má".
Nghệ sĩ Trần Hồng đã từng tổ chức 10 cuộc triển lãm ảnh, trong đó nhiều triển lãm ảnh về mẹ, đặc biệt là triển lãm Mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên ở nước ngoài năm 2019 tại Ba Lan. Thành công trong mỗi tác phẩm của ông không chỉ ở bố cục, đường nét, ánh sáng mà chính là cảm xúc mạnh mẽ dành cho mẹ.
Ở tuổi ngoài 70, nghệ sĩ Trần Hồng vẫn tràn đầy cảm hứng sáng tạo với các khuôn hình bởi với ông, không có khuôn hình nào thể hiện hết được sự hy sinh tận cùng của những người mẹ Việt Nam cho chồng, cho con, cho gia đình và cho Tổ quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!