4,3 triệu đàn ông Việt "FA cả đời" vì tư tưởng "phải có con trai"?

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 26/11/2020 12:04 GMT+7

VTV.vn - "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" - Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu bám rễ và chỉ 4 năm nữa Việt Nam sẽ "thừa" khoảng 1,38 triệu nam giới vì tư tưởng lạc hậu này.

Việt Nam có tỷ số giới tính khi sinh đứng thứ 2 châu Á

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái. Sau 20 năm sau, tỷ số này là 115/100 trong khi mức chuẩn sinh học bình thường là 105/100.

55/63 tỉnh thành trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái như Sơn La (120/100), Hưng Yên (118,6/100), Bắc Ninh (117,6/100), Thanh Hóa (117,2/100), Hải Dương (116,3/100), Hà Nội (112,8/100) và TP.HCM (108,3/100).

4,3 triệu đàn ông Việt FA cả đời vì tư tưởng phải có con trai? - Ảnh 1.

Tỷ lệ này đã đưa Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Nếu mức tỷ số này giữ nguyên, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026 và có tới hơn 4 triệu nam giới sẽ có nguy cơ không lấy được vợ vào năm 2050.

Cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều" nhất là khi tư tưởng "sinh con trai nối dõi" hay "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ xa xưa vì nó liên quan nhiều đến các vấn đề của đời sống như thừa kế, tài sản, nối dõi... Tư tưởng này đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh "sống mòn" chỉ vì chờ sinh được con trai.

"Sống mòn" bởi "khát" con trai

Một gia đình người Mông ở vùng núi nghèo Mù Cang Chải (Yên Bái) phải sinh đến đứa con thứ 8 mới được cậu con trai. Gia đình đã khó khăn nay lại được xếp vào diện hộ nghèo.

Anh Sùng A Sử, huyện Mù Cang Chả cho biết: "Bố mẹ bảo không có con trai thì già không có ai làm ruộng nên phải sinh được con trai thì thôi. Mình không biết chữ thì mình không làm được cái gì, chỉ đi làm rừng, làm tí thảo quả, 1 tháng làm được 1 triệu thôi".

4,3 triệu đàn ông Việt FA cả đời vì tư tưởng phải có con trai? - Ảnh 2.

Nếu vùng nông thôn, dân tộc miền núi sinh nhiều con cho đến khi được con trai mới thôi thì những người ở thành thị chọn cách nạo phá thai để chờ sinh con trai, gây nguy hiểm tới sức khỏe của người mẹ.

4,3 triệu đàn ông Việt FA cả đời vì tư tưởng phải có con trai? - Ảnh 3.

Nhiều năm khám chữa và thực hiện các ca nạo phá thai tại Hà Nội, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung từng gặp nhiều ca phá bỏ thai nhi nữ. Ở ngay giữa thủ đô những vẫn có không ít trường hợp trớ trêu.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung - BV Đa Khoa Nông Nghiệp chia sẻ: "Bây giờ các cặp đôi trẻ họ không có con trai thì cứ như có lỗi lắm. Có những người phụ nữ bảo cháu hoàn toàn tự lập, chồng cháu cũng hiện đại thôi nhưng bố mẹ chồng thì suốt ngày thúc giục phải có người nối dõi.

"Có cô gái đi khám, thai 12 tuần rồi và xin phá. Mình khám mình mới ngã ngửa người ra là cổ tử cung treo ngược, mò mãi không thấy tử cung. Cô gái ấy có 3 đứa con gái rồi. 2 năm sau cô ý quay lại, cô bảo "Cô thương cháu không chồng cháu đuổi ra khỏi nhà". Một sự hy sinh khủng khiếp. Mình điên tiết ra bảo "Anh muốn đổi mạng vợ anh để có một đứa con trai như này?" - bác sĩ Lê Thị Kim Dung nói.

Cũng ở thủ đô hiện đại, các cặp đôi vẫn tìm trên mạng những dịch vụ thụ tinh ống nghiệm, sàng lọc chọn giới tính thai nhi. Mỗi nơi mỗi cảnh thế nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở khắp nơi tại Việt Nam. Cứ thế, các bé gái bị đối xử bất bình đẳng, nhiều thai nhi nữ không có cơ hội sinh ra, rồi một ngày, sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nam giới.

Hệ quả của việc thừa nam giới cho xã hội không đơn giản là việc hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân mà cấu trúc gia đình còn bị phá vỡ khi tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng, dễ dàng xảy ra nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ.

Nhiều gia đình vì vợ không sinh được con trai nên bằng mọi cách để "kiếm" con trai bên ngoài để có người thừa kế, hương hỏa. Theo luật sư, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về việc cấm xác định giới tính thai nhi, ngăn chặn bất bình đẳng giới. Từ năm 2020, còn có thêm các nghị định mới để củng cố thêm vấn đề này

Việt Nam là nước có xuất khẩu cô dâu tới Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và cả Hàn Quốc. Nhưng liệu có bao giờ đàn ông Việt Nam cần phải nhập khẩu cô dâu? Tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, nhiều phụ nữ lựa chọn việc sang nước ngoài lấy chồng. Sự khan hiếm phụ nữ đã tác động đến quy luật cung - cầu trong việc tìm kiếm bạn đời..

Trai làng khó tìm vợ do mất cân bằng giới tính

Vừa đi một vòng quanh làng để mời cưới, về nhà nắn nón viết từng dòng thiệp mời, gia đình ông Phú và bà Thơ đều vui mừng vì con trai cưới được vợ. Tuy khoảng cách hai nhà xa xôi vì chồng miền biển, vợ miền núi nhưng vậy cũng là vui, còn hơn là không có mối nào.

"Ở đây không có gái mấy nên lấy vợ ở xa. Giai toàn ế vợ mà hầu như bây giờ giai tân là cũng lấy gái có chồng rồi" - bà Phạm Thị Thơ, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cho biết.

4,3 triệu đàn ông Việt FA cả đời vì tư tưởng phải có con trai? - Ảnh 4.

Ở xã Đại Hợp, nhiều trường hợp nam thanh niên phải đi kiếm vợ ở địa phương khác, đôi khi là không thể nào lấy được vợ. Nhiều xóm, đàn ông lấy vợ muộn, ở cái tuổi chẳng buồn tìm hiểu mà cũng chẳng còn cô gái nào ở làng để tán. Lý do là bởi phong trào "xuất khẩu cô dâu" sang Trung Quốc, Hàn Quốc nở rộ, nhất là vào những năm 2000, có nhiều gia đình có tới 3-4 con gái sang nước ngoài lấy chồng. Thế mới xảy ra chuyện trai làng ở các địa phương nêu trên càng ngày càng khó tìm được đối tác để lập gia đình.

Hiện toàn xã có trên dưới 1.000 cô gái lấy chồng nước ngoài. Sự khan hiếm phụ nữ tác động đến quy luật cung - cầu trong việc tìm kiếm bạn đời của nam giới ở xã. Chính quyền thì đau đầu nhưng chẳng có cách nào để níu kéo con gái làng ở lại vì hôn nhân là quyền tự do của mỗi người.

Trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, vai trò của những người đứng đầu địa phương, những người có uy tín trong gia đình, dòng họ rất quan trọng.

Thay đổi tư tưởng về giới ở gia đình

Dòng họ Phạm ở xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từ lâu có truyền thống bình đẳng nam nữ. Dù là dòng họ đông dân nhất xã, với hơn 400 hộ gia đình, thế nhưng trong 5 năm gần đây không có người sinh con thứ ba.

Cụ Phạm Quang Phục, thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa chia sẻ: "Nói ít mà hiểu nhiều, thành giáo dục cho con cháu biết phát huy kế thừa truyền thống gia phong của dòng tộc. Có địa vị có kinh tế cũng chỉ 2 con. Đều tạo điều kiện nam, nữ cùng học tốt, không có cái trọng nam khinh nữ".

4,3 triệu đàn ông Việt FA cả đời vì tư tưởng phải có con trai? - Ảnh 5.

Nhận thấy việc sinh 2 con sẽ mang lại nhiều hiệu quả, tinh thần bình đẳng giới càng được lan rộng ra các dòng họ lân cận. Toàn xã có hơn 2.500 hộ dân, chỉ có 0,8% sinh con thứ ba. Bằng những việc làm thiết thực trong việc vận động con cháu các gia đình thực hiện tốt bình đẳng giới, đời sống kinh tế xã hội của người dân nơi đây tốt hơn rõ rệt. Suy cho cùng, dù là trai hay gái, quan trọng nhất là những đứa con sẽ trở thành người tốt, có lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Mất cân bằng giới tính tại Việt Nam ở mức nghiêm trọng Mất cân bằng giới tính tại Việt Nam ở mức nghiêm trọng

VTV.vn - Đó là một trong những thách thức được nêu tại Lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số diễn ra sáng nay (10/12).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước