Làm thế nào để phụ nữ được hưởng chế độ thai sản tốt hơn?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chế độ thai sản là một vấn đề cần phải bàn khi còn nhiều khoảng trống và độ bao phủ chưa cao.

Hàng triệu phụ nữ lao động tự do không được hưởng chế độ thai sản

Ở Việt Nam trung bình có tới hơn 60% phụ nữ sinh con không được hưởng trợ cấp thai sản. Thậm chí, ở 22 tỉnh, thành phố, con số này lên tới 80%.

Đây là một nghịch lý khi mà chế độ thai sản của Việt Nam được quốc tế đánh giá là nằm trong số những hệ thống "hào phóng" nhất trong khu vực về thời gian nghỉ và tỉ lệ hưởng. Vì sao lại có những khoảng trống này?

Đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng chính sách.

Trong đó, chế độ thai sản là một vấn đề cần phải bàn khi còn nhiều khoảng trống và độ bao phủ chưa cao.

Hiện chỉ có người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, với tỷ lệ thụ hưởng chỉ chiếm chưa đến 40%. Còn hàng triệu phụ nữ lao động tự do thì không được hưởng chế độ này.

Làm thế nào để phụ nữ được hưởng chế độ thai sản tốt hơn? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam". (Ảnh: TTXVN)

Tại hội thảo "Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam" do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, các chuyên gia cho rằng nghỉ và trợ cấp thai sản có sự khác nhau đáng kể giữa các nhóm phụ nữ, tùy thuộc vào tình trạng công việc của họ. Vì vậy, dù chế độ thai sản của Việt Nam rất tốt: được nghỉ 6 tháng và nhận tiền hỗ trợ nhưng lại là những ưu ái không thực tế với hàng triệu phụ nữ lao động tự do.

Trợ cấp tiền thai sản cho phụ nữ không có bảo hiểm y tế, hỗ trợ họ trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ... sẽ là những bước đi đầy ý nghĩa để nhiều phụ nữ được đến gần hơn với những điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần đảm bảo.

Khó khăn tuyên truyền, vận động ở vùng sâu vùng xa

Phần lớn những người phụ nữ không được hưởng trợ cấp thai sản lại là những lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn, nên gánh nặng lại càng tăng lên khi họ sinh con. Đó là chưa kể đến một nhóm phụ nữ yếu thế, đó là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa. Riêng với nhóm này thì Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ. Tuy nhiên vẫn có nhiều khó khăn, và sự chênh lệch giữa các vùng miền trong quá trình tiếp cận dịch vụ sức khoẻ bà mẹ và các nguồn hỗ trợ.

Tại làng Ar-đết, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, gần 90% phụ nữ Bana sinh con tại nhà. Có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ Bana sinh con tại nhà. Đường sá xa xôi, kinh tế khó khăn. Nhưng có làng chỉ cách trạm y tế 1-2 cây số, họ cũng không đến. Nguyên nhân chính vẫn là phong tục tập quán.

Làm thế nào để phụ nữ được hưởng chế độ thai sản tốt hơn? - Ảnh 2.

Phần lớn những người phụ nữ không được hưởng trợ cấp thai sản lại là những lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn

Từ việc sinh ở ngoài vườn, giờ được vào nhà sinh con với họ đã là một sự thay đổi. Nhưng việc thuyết phục họ đến cơ sở y tế khám thai, sinh con vẫn còn là cả quá trình dài.

Nhiều phụ nữ cũng chẳng biết mình thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con.

Nghị định số 39, phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, đối tượng được hưởng chính sách đều là hộ nghèo, cư trú chủ yếu ở vùng đặc biệt khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu, vẫn còn tư tưởng sinh nhiều con, nên công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả, công tác xác minh đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các chế độ trợ cấp và nghỉ thai sản đối với phụ nữ. Tùy mỗi quốc gia mà có chế độ phúc lợi khác nhau, độ bao phủ khác nhau. Tuy nhiên điểm chung là tất cả đều hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bà mẹ và trẻ em.

Chế độ thai sản đã được bổ sung vào chính sách BHXH tự nguyện trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 sẽ khai mạc vào thứ Hai tuần sau.

Điều này mang lại tác động lớn không chỉ cho phụ nữ khi sinh con mà là câu chuyện của nhiều gia đình và có tác động cả tầm quốc gia.

Cùng trao đổi trong chương trình tối nay. Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Chế độ thai sản của một số quốc gia trên thế giới

Singapore áp dụng chế độ thai sản cho công dân và lao động hợp pháp tại nước này. Thời gian nghỉ thai sản đối với người vợ là 4 tháng và người chồng tối đa 2 tuần. 2 con đầu tiên người vợ sẽ được trợ cấp trong 8 tuần, và từ con thứ 3 sẽ tăng lên 16 tuần. Người vợ nhận được số tiền khoảng 45 triệu VNĐ/tuần trợ cấp, và người chồng tối đa khoảng 38 triệu VNĐ/tuần nghỉ.

Sản phụ Nhật Bản khi sinh sẽ được nghỉ 8 tuần. Trợ cấp khi sinh gồm chi phí khám thai và sinh con thông thường là 42 vạn Yên (tương đương 69 triệu VNĐ)/em bé. Phụ nữ Nhật Bản còn có trợ cấp nghỉ trông con với 2 mức là 67% lương tháng và 50% lương hàng tháng. Chế độ thai sản áp dụng với cả công dân Nhật Bản và người nước ngoài đóng bảo hiểm đẩy đủ.

Chế độ thai sản của Nga cực kỳ ưu ái cho bà mẹ mang bầu, theo đó sản phụ có thể nghỉ thai sản 140 ngày với 100% lương. Sau đó tiếp tục nghỉ phép và nhận 50% lương cho đến khi đứa trẻ được 1,5 tuổi.

Ngoài trợ cấp các nước còn áp dụng các biện pháp bảo vệ người phụ nữ mang thai như cấm sa thải với phụ nữ sinh con; hỗ trợ chế độ thăm khám…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước