90% thú rừng bị săn bắt trái phép tại Việt Nam được tiêu thụ ở thành thị

Lan Phương, Đình Hưng-Thứ hai, ngày 09/01/2023 18:49 GMT+7

VTV.vn - Đây là kết quả khảo sát của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF-Việt Nam năm 2022.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, tại một số địa phương đang xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã và sản phẩm đông lạnh từ động vật hoang dã. Buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật, đẩy nhiều loài động vật hoang dã vào nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện rất nhiều biện pháp đã và đang được triển khai thực hiện nhằm xử lý hành vi này, nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia bảo tồn, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.

90% thú rừng bị săn bắt trái phép tại Việt Nam được tiêu thụ ở thành thị - Ảnh 1.

Đối tượng Võ Thanh Nhàn và tang vật tại cơ quan công an.

Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện, bắt xử lý một đối tượng có hành vi mua bán động vật hoang dã quý hiếm. Đó là Võ Thanh Nhàn (30 tuổi) trú tại xã Cuôr KNia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Nhàn bị lực lượng chức năng kiểm tra khi chở 2 thùng cát tông có 1 con chim cắt lớn và 1 con chim ưng. Được biết, chim cắt lớn thuộc nhóm 1B nguy cấp quý hiếm, cần được ưu tiên, bảo vệ.

Theo khảo sát của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF-Việt Nam năm 2022 cho thấy, điểm đến của 90% thú rừng bị săn bắt trái phép chính là các nhà hàng và các kênh tiêu thụ khác ở khu vực thành thị. Chỉ có 10% được tiêu thụ bởi những cá nhân sống gần khu vực săn, bẫy. WWF cho rằng giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã từ chính sự thay đổi hành vi và quan niệm xã hội về thịt động vật hoang dã.

Một chiến dịch giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã đang được WWF thực hiện. Chiến dịch này sẽ kéo dài qua Tết Nguyên đán năm nay. Tổ chức này đã phối hợp với cơ quan chức năng làm việc với hơn 150 nhà hàng trên khắp các tỉnh để họ cam kết không bán thịt động vật hoang dã, đồng thời làm việc, và hỗ trợ các cộng đồng địa phương và ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở Việt Nam để tăng khả năng tuần tra rừng, bao gồm cả gỡ bỏ bẫy thú rừng.

Hiện nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm động vật hoang dã đã dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể động vật hoang dã ở các nước láng giềng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước