Theo Báo cáo được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) công bố: Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học đó là do nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã. Khi Internet phát triển, các đối tượng buôn bán động vật hoang dã lại hoạt động nhiều hơn trên không gian mạng.
Theo số liệu từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, riêng năm 2021 đã ghi nhận khoảng 2.500 vi phạm buôn bán động vật hoang dã trên Internet, tăng khoảng 41% so với năm 2020. Có thể thấy, nạn buôn bán động vật hoang dã trên mạng xã hội đang gia tăng trong những năm gần đây. Bên cạnh những loài như khỉ, nhiều động vật hoang dã khác như rái cá, mèo rừng, các loài bò sát... vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Không gian Internet đang trở thành môi trường để các đối tượng buôn bán trái phép thực hiện nhiều thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng.
Các loài động vật hoang dã được rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Từ ngà voi, nanh gấu hay thịt thú rừng, mật gấu, vảy tê tê cho đến động vật hoang dã bị nhốt trong chuồng được rao bán trên các hội nhóm, mạng xã hội.
Dù không khó để tìm nhưng người có nhu cầu phải biết các từ khóa đã được quy ước như bảo tồn, "cần bay", tránh dùng từ mua, bán. Các đối tượng thường từ chối khách tới nhà xem, chỉ gửi ảnh hoặc "có tâm" hơn thì gọi điện với video. Như một đối tượng bán mèo rừng mà PV tìm thấy trên Facebook.
PV: "Nó có nghịch không anh?"
Người bán: "Ôm iếc thoải mái luôn. Ăn thịt sống trộn với cơm. Bọn này như đứa trẻ con ý, như trang giấy trắng. Về nhà mình vẽ như nào nó như thế. Chứ để nó to rồi thì nó cào nó cắn. Tầm đấy nó chỉ có nhốt chuồng thôi chứ không nuôi được".
Người bán cho biết, mèo vừa tách mẹ, mới chuyển về khu vực Vĩnh Phúc. Mô tả đường nét, vân dài đen, đốm đen tuyền, đối tượng cho biết đây là "hàng" từ giáp biên.
Thế nhưng khi được hỏi người mua có cần giấy tờ gì để được phép nuôi mèo rừng, đối tượng cho biết: "Khồng, bọn này nuôi thuộc B2 mà, không thuộc F1. Chơi thoải mái, nó như khỉ thôi. Mình nuôi bình thường mình quay video chơi như này thì sao. Chứ không chắc gì giờ này mình đã còn ngồi đây chơi với bạn đúng không?".
Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, mèo rừng được xếp vào loài nguy cấp, quý hiếm ở danh mục IIB. Nếu ở danh mục IB, việc nuôi động vật hoang dã cũng phải có giấy phép. Bởi vậy, hành vi mua bán mèo rừng, nuôi giữ mèo rừng không phép là vi phạm quy định và có thể bị xử phạt tùy mức độ.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV tại Hà Nội: "Nguyên do là sự phát triển của Internet, mọi người dễ tiếp cận thông tin để mua các sản phẩm cần. Do các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội chưa thấy rủi ro hiện hữu, người ta vẫn tiếp tục hành vi vi phạm".
Bên cạnh đó, các đối tượng có thể dễ dàng hoạt động dưới danh tính "ảo" trên không gian mạng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Bởi vậy, mặc dù đã nhiều lần được cảnh báo, thế nhưng tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên mạng vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức.
Buôn bán động vật hoang dã không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ra những nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Như trường hợp mới đây, một cậu bé 13 tuổi ở Hà Nội đã mua rắn lục đuôi đỏ trên mạng về để nuôi như thú cưng nhưng không may, em bị rắn cắn và phải nhập viện cấp cứu. Bên cạnh đó, hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái phép còn tiềm ẩn vô vàn những mầm bệnh lây truyền từ động vật sang con người. Đây là những mầm bệnh đã và đang hoành hành trên toàn thế giới.
Chuyên gia chia sẻ về rủi ro khi tiêu thụ động vật hoang dã trái phép
Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh môi trường, Học viện Quân Y: "Không riêng gì rắn mà các loài động vật hoang dã nó là con dao 2 lưỡi. Mấy tuần hiện nay chúng ta đang đối mặt với đậu mùa khỉ, phát hiện bệnh trên khỉ lây từ động vật sang người. Thế thì các loại động vật hoang dã nếu tiếp xúc không cẩn thận, không đúng cách, trước hết là nguy cơ bệnh, thứ hai là những nguy cơ tổn thương khác như rắn cắn chết người hay dị ứng".
Virus đậu mùa khỉ trong mụn nước ở người bệnh. Ảnh: BSIP
Theo bà Hoàng Bích Thủy - Giám đốc Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã WCS Việt Nam: "Nếu buôn bán bình thường trong chuồng nó đã chật rồi, mà buôn bán trái pháp luật tức là họ phải chui lủi, họ phải nhốt rất nhiều loài chung với nhau. Trong 1 loài virus đã chuyển từ con nọ sang con kia rồi, thì khi nhiều loài virus có thể biến chủng và khuếch đại lây từ loài nọ sang loài kia và nó sang con người".
Trước thực trạng đáng báo động về nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam, nhiều tổ chức phi Chính phủ và các lực lượng chức năng cũng đã cho thấy sự nỗ lực đấu tranh trong thời gian qua. Không chỉ mong muốn cứu sống, phục hồi những loài động vật bị tiêu thụ, hơn hết, các đơn vị tham gia đều khao khát đưa được những loại động vật trở về với ngôi nhà tự nhiên của mình, từ đó tiến tới việc lấy lại cân bằng hệ sinh thái.
Nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam
Những chú hổ này là tang vật thu giữ được từ những vụ buôn bán trái phép, hiện đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.
Những nhân viên như anh Nguyễn Thành Trung ở đây đều yêu quý chúng như những người bạn thân thiết.
Khu vườn này dù diện tích còn hạn chế nhưng đã là chỗ vui chơi duy nhất mà 36 chú hổ ở đây mong ngóng. Còn những con rùa hộp trán vàng miền Trung may mắn hơn vì đang được kiểm tra sức khỏe lần cuối để chuẩn bị được tái thả về rừng.
Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội - cho biết: "Đối với động vật, trước khi được tái thả về tự nhiên, sẽ được thực hiện kiểm tra khám sức khỏe đầy đủ, lấy máu, kiểm tra tất cả các bệnh hoặc ký sinh trùng, nói chung tiêu chí về bệnh sức khỏe phải đảm bảo. Trước đó sẽ được phục hồi các tập tính, bản năng của động vật. Kể cả mình ở trong đây chăm sóc tốt cũng không thể bằng ở ngoài tự nhiên nó có cuộc sống thể hiện đúng bản năng của nó, nó phục hồi được số lượng quần thể trong tự nhiên, phục hồi đa dạng sinh học đối với môi trường".
Để thuận tiện cho việc tố giác các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đường dây nóng 18001522 đã được ra đời. Mỗi ngày tổng đài tiếp nhận từ 5 - 20 cuộc gọi báo cáo, mang đến những hiệu quả rõ rệt.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Chị Văn Quỳnh Mai - Cán bộ tại Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV - cho hay: "Các nội dung mà đường dây nóng hay tiếp nhận là các thông tin vi phạm liên quan đến nuôi nhốt hay buôn bán động vật hoang dã tại các địa chỉ như cửa hàng hoặc nhà dân, hoặc gần đây có những vi phạm trên MXH. Sau khi tiếp nhận thông tin, ENV sẽ làm việc với cơ quan chức năng hoặc các đối tác như Facebook, Zalo để xử lý vi phạm".
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm - Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội: "Phục vụ cho công tác chiến đấu này, lực lượng còn mỏng, các phương tiện ứng dụng công nghệ để đấu tranh với các đối tượng còn hạn chế. Lực lượng cảnh sát môi trường cần tập huấn chuyên sâu vào công tác đấu tranh buôn bán động vật hoang dã".
Nếu mỗi người dân không ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã thì chỉ ít năm nữa, những loài vật xinh đẹp này có thể sẽ chỉ còn tồn tại trong những bức ảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!