Trước đó, khoảng 18h ngày 24/3, tại bếp ăn công trình của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoàng Quân 668 có tổ chức bữa ăn tối cho 12 người ăn gồm 5 món: Canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng, ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.
Sau ăn khoảng 30 phút, có 3 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám và điều trị. Sau đó có 7 công nhân khác cùng ăn bữa ăn trên có biểu hiện tương tự được đưa đến trạm y tế để khám và điều trị. Trong số 12 người ăn có 2 người không ăn món cây rau rừng thì không có biểu hiện gì.
Một số người có các triệu chứng trở nặng như có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái được đưa đến BVĐK thị xã Sa Pa khám và điều trị. Đến 8h ngày 26/3, 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Qua điều tra, người nấu bữa ăn tối 24/3 cho biết, do trời tối cộng với cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng dẫn đến nhầm lẫn và gây ra sự cố nêu trên.
TTXVN cho biết, theo kết luận của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, dựa trên mẫu lá cây rừng đã sử dụng nấu ăn tại bữa ăn gây ngộ độc, kết quả kiểm nghiệm sàng lọc độc chất phát hiện mẫu có chứa Atropin và Scopolamin của các cây thuộc họ cà. Ở Việt Nam, họ thực vật này phân bố rộng rãi, tiêu biểu có một số đại diện là cà độc dược. Các chất này khi hấp thu lượng đủ lớn gây đau dầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, ảo giác, lú lẫn, mạch yếu, nhịp tim bất thường, tác dụng diễn ra 10 – 30 phút sau ăn.
Cây hoa Chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine hay “Hơi thở của quỷ”. Theo Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai, hoa của loài cây này trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng nhìn rất đẹp mắt. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố nên ai đó lỡ ăn nhầm sẽ bị trúng độc ngay lập tức.
Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng. Do độc tính của cây quá mạnh, để tránh các trường hợp ngộ độc người trồng không nên dùng bất kỳ bộ phận nào của nó để chế biến thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!