Người dân gặp khó trong mùa dịch
Kể từ khi COVID-19 bùng phát và kéo dài, vô số người đã bị ảnh hưởng đến sinh kế, nhất là nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do bị mất việc, bị mắc kẹt ở thành phố. Câu chuyện này đến nay đã không còn là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ để đi tìm cách giải quyết.
Mong 1 ngày được mở cửa hàng trở lại, hơn 2 tháng nay, quầy hàng mà chị Phượng làm thuê phải đóng cửa. Làm và ở lại luôn tại xưởng bánh, nhưng chủ lại không ở cùng nên mọi sinh hoạt đối với người phụ nữ từ quê ra không hề dễ dàng.
Không đăng ký tạm trú nên không ít quyền lợi đã bị bỏ qua đồng nghĩa những gói hỗ trợ từ đầu đợt dịch đến nay cũng không đến tay.
Nơi cư ngụ của nhiều lao động tự do mất việc.
Còn ở một điểm khác, căn phòng hơn 500.000 đồng bao gồm cả điện nước là nơi trú ngụ của nhiều lao động tự do mất việc. Gọi là phòng nhưng chỉ là những mảnh bìa ghép tạm trên khu đất chưa đầy 10m2. Không có việc nên bữa ăn hàng ngày cũng phải trông đợi vào sự hỗ trợ.
Trong khu trọ tuềnh toàng, mỗi người một cảnh ngộ, sự trông đợi vào hỗ trợ chỉ là tạm thời, họ gắng gượng để vượt qua mùa dịch nhưng có điều, không dễ chút nào.
Một phụ nữ làm nghề đồng nát, thân lo chưa xong còn phải đèo bòng thêm con cháu, con gái bị trầm cảm và 2 đứa cháu nhỏ, không có thu nhập, sức khỏe càng kém đi nhiều vì bệnh tình không được chạy chữa. Tất cả chỉ trông chờ vào chiếc xe đạp cũ, phương tiện kiếm cơm hàng ngày với nghề đồng nát. Mọi thứ vẫn giữ nguyên, chực chờ hết giãn cách sẽ lao ngay ra đường.
Để mở rộng kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã bổ sung thêm 2 nhánh của tổng đài 1022 gồm:
- Nhánh 5 chuyên "Giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội" với các đối tượng: lao động tự do, người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hay người nghèo, người cận nghèo…
- Nhánh 6 để Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kêu gọi xã hội hóa giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân
Khi người dân gặp khó về thông tin thì đã có tổng đài tư vấn nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Để người dân có thể tiếp cận được những chính sách hỗ trợ thì cần nhiều nguồn lực khác nhau. Nhiều nơi hiện đã phát huy đa dạng các mô hình an sinh xã hội theo hình thức xã hội hóa và hiệu quả bước đầu cũng đã được ghi nhận.
Phòng tiếp dân của phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nay đã tạm ngừng, công năng mới được áp dụng. Hàng hóa, thực phẩm huy động từ các mạnh thường quân nhanh chóng được tập kết tại đây.
Qua những ứng dụng trên điện thoại, người khó khăn cần nhu yếu phẩm sẽ trình bày rõ lý do của mình. Sau đó, người phân phát hàng hoá sẽ kiểm chứng thông tin từ các chi hội. Tất cả từ khâu kết nối đến lúc hỗ trợ chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ.
Ngoài công việc văn phòng, bà Ngô Thị Mai Anh, Hội phụ nữ phường Mễ Trì, kiêm nhiệm luôn việc kết nối các mạnh thường quân với những người gặp khó khăn cần được hỗ trợ. Cầu nối có chóng vánh nhưng cũng là nhịp cầu vững chãi để những người yếu thế vượt qua đại dịch một cách dễ dàng hơn.
Hỗ trợ người dân rời Thủ đô
Nhiều lao động được hỗ trợ về quê
Hiện Hà Nội vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội nên nhiều người dân bị mắc kẹt chưa thể về quê. Người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ rời Thủ đô.
Đi không được, ở lại cũng không xong nên một số người đã đi bộ để về quê nhưng họ lại gặp khó tại các điểm chốt do không đủ điều kiện và giấy tờ. Thấu hiểu hoàn cảnh của những người lao động nghèo xa quê, nhiều nơi đã bố trí chỗ ăn ở miễn phí, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và liên hệ hỗ trợ xe đưa đón.
Khẩn trương đưa các gói an sinh xã hội tới người dân
Còn về phía chính quyền, cấp triển khai trực tiếp các chính sách hỗ trợ an sinh, việc thống kê để không bỏ sót hoàn cảnh nào mà lại phải nhanh chóng đã là việc khó. Nhưng khó hơn là còn phải rà soát để cũng không có trường hợp nào nhận hỗ trợ trùng hay không đúng đối tượng được hỗ trợ. Để làm được điều này, cách duy nhất là các cán bộ phải cực kỳ sâu sát và linh hoạt.
Đều đặn hàng ngày, tổ COVID-19 số 11 phường Đại Kim đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thông tin tới người dân về việc triển khai các gói hỗ trợ.
Tổ COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ hẻm để thông tin cho người dân về chính sách hỗ trợ.
Hiện Hà Nội đang triển khai nhiều gói an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng thụ hưởng khác nhau. Do đó, công tác rà soát danh sách được tiến hành " thần tốc". Tuy nhiên, khâu thẩm định, xét duyệt hồ sơ không tránh khỏi những vướng mắc như bản khai chưa rõ ràng, thiếu thông tin hoặc cùng lúc người dân nộp đơn xin nhiều gói hỗ trợ khác nhau…
Đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt trong quy trình nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác. Như tại Quận Hoàng Mai - địa bàn có số dân lớn nhất Hà Nội, tỷ lệ các đối tượng thụ hưởng chính sách cao nên trong thời gian ngắn đơn vị này cũng đã tiến hành khẩn trương chi trả các gói hỗ trợ an sinh tới người dân.
Hiện Hà Nội đang đẩy nhanh việc chi trả các gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định từng loại chế độ với phương châm không để ai thiếu, không để ai đói trong dịch bệnh COVID-19.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến nay, thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 160.000 lao động tự do với số tiền hơn 240 tỷ đồng. Hiện còn khoảng 22.000 lao động chưa nhận tiền hỗ trợ. Những trường hợp này sẽ được nhận tiền trong những ngày tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!