Lao động tự do khó khăn thời COVID-19: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 04/08/2021 06:47 GMT+7

VTV.vn - Chung tay giúp người nghèo, lao động khó khăn vào thời điểm này chính là chung sức, đồng lòng vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.

Hơn 800 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho 600.000 lao động tự do

Lao động tự do không có ràng buộc hợp đồng, không có chế độ hỗ trợ lao động, trong dịch càng khó khăn. Chính sách hỗ trợ lao động tự do theo gói 26.000 tỷ đồng được kỳ vọng bớt đi một phần khó khăn, giúp duy trì cuộc sống của họ.

Nhưng mức độ hỗ trợ cách thức thực hiện có kịp với những khó khăn, nhu cầu cấp thiết của lao động tự do?

Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, "ai ở đâu ở yên đó" nghĩa là hầu hết các hoạt động của người dân cũng đều bị tạm ngừng trừ các trường hợp thiết yếu và những lao động tự do - những người thu nhập cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu theo ngày ngay lập tức bị ảnh hưởng. Nguồn thu nhập bị gián đoạn, tiền tích lũy không có hoặc có rất ít sẽ rơi vào tình trạng khó khăn.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ lao động tự do là rất cấp bách. Tính đến sáng 3/8, đã có gần 617.000 lao động tự do trên cả nước được khoảng 825 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ lao động tự do cũng đã được nhiều địa phương trên cả nước triển khai trong đó, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội là nhanh nhất.

Lao động tự do khó khăn thời COVID-19: Cần sự chung tay của toàn xã hội - Ảnh 1.

Với mục tiêu không bỏ sót đối tượng, các quận, huyện rà soát tới từng người, từng hộ dân, từng cơ sở kinh doanh trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời những trường hợp đang gặp khó.

Các quận huyện đã "kích hoạt" toàn bộ hệ thống tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nhiều phường còn chủ động hướng dẫn và chi trả tại nhà cho nhóm lao động tự do.

Nhiều phường còn chủ động hướng dẫn và chi trả tại nhà cho nhóm lao động tự do. Chính sách hỗ trợ được niêm yết công khai tại các tổ dân phố. Cán bộ đến từng nhà để xác nhận đối tượng hưởng tránh nhầm lẫn, bỏ sót và với tinh thần nhanh nhất làm đến đâu phê duyệt đến đó.

Dự kiến Hà Nội sẽ hỗ trợ cho trên 130.000 lao động tự do với với số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Thành phố cũng xây dựng chính sách riêng để hỗ trợ người nghèo, hộ bảo trợ xã hội, hộ nghèo không có người tham gia thị trường lao động, không là lao động tự do, gia đình gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với khoảng 3.180 hộ, kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 3 tỷ đồng.

Trước vấn đề cấp bách này, trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 3/8, ông Vũ Trọng Bình, Cục Trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có đến 20,3 triệu người làm phi chính thức (lao động tự do) nhưng không phải ngành nghè nào cũng bị ảnh hưởng: "Lao động tự do nào bị giảm sâu, cuộc sống thu nhập bấp bênh được đưa vào danh sách. Việc này tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đang tiến hành tích cực. Với một thời gian ngắn đã chi trả được số tiền lớn và lao động lớn, đặc biệt ở các tỉnh đang giãn cách xã hội thì đây là việc hết sức cố gắng, chưa từng có tiền lệ".

Lao động tự do khó khăn thời COVID-19: Cần sự chung tay của toàn xã hội - Ảnh 2.

"Hiện nay, chúng ta vẫn đang rà soát và 32 tỉnh đã có danh sách chuẩn bị lên phương án chi trả cho lao động tự do. Trong thời gian tới, số lượng sẽ ngày càng tăng với phương châm của Đảng và Nhà nước là không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả những người khó khăn, giảm sâu thu nhập đều được hỗ trợ và tiếp cận với gói chính sách này" - ông Bình khẳng định.

Chung tay hỗ trợ người khó khăn trong dịch

Nghị quyết 68/NQ-CP quy định các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do nhằm tạo sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế, thế nhưng đúng là vì thế mà nhiều nơi còn lúng túng, vướng mắc không ít. Trong lúc đó, để chung tay hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn rất nhiều hình thức hỗ trợ đã được thực hiện.

Từ Hà Tĩnh ra Hà Nội bán hàng ăn nhưng không đăng ký kinh doanh nên chị Nguyễn Thu Hằng không nằm trong danh sách được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Từ khi giãn cách, hai vợ chồng và 3 con nhỏ không có khoản thu nhập nào. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của chị, Hội phụ nữ quận Thanh Xuân đã đến tận nhà trao quà cho gia đình là gạo, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác.

Lao động tự do khó khăn thời COVID-19: Cần sự chung tay của toàn xã hội - Ảnh 3.

Sâu đi sát địa bàn, các tổ chức đoàn thể của Hà Nội đang phát huy vai trò của mình để giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn.

Cùng với các đoàn thể là sự đóng góp tích cực của nhiều gia đình, cá nhân... như gia đình chị Nguyễn Thị Thủy đã vận động các con mình đập lợn mua hơn 1 tấn gạo để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình siêu thị 0 đồng do Thành đoàn Hà Nội đang được triển khai tại 10 phường có nhiều lao động gặp khó khăn. Dù mỗi phường chỉ có 400 suất nhưng nhiều người dân tự nguyện mang đến góp thêm nên số lượng quà được phát giờ cũng nhiều hơn.

Lao động tự do khó khăn thời COVID-19: Cần sự chung tay của toàn xã hội - Ảnh 4.

Mô hình siêu thị 0 đồng tại Hà Nội

Hơn bao giờ hết, mỗi một phần đóng góp, chung tay giúp người nghèo, lao động khó khăn vào thời điểm này chính là chung sức, đồng lòng ... vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.

Đánh giá vai trò của các thiết chế cộng đồng, ông Vũ Trọng Bình, Cục Trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Để xử lý, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng. Nhà nước về nguồn lực, về đi sâu, linh hoạt cũng không thể bao quát hết được những vấn đề của xã hội. Chính quyền địa phương cần quan tâm, huy động tổ chức cộng đồng để cộng đồng giải quyết vấn đề của cộng đồng với sự hỗ trợ của Nhà nước".

Điển hình kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, những địa phương này đã giải quyết được vấn đề của cộng đồng, giải quyết những khó khăn của người dân trong dịch bệnh. Chúng ta cần phải nhân rộng việc này. Việc hỗ trợ cộng đồng cần có tổ chức, minh bạch mới có thể giúp cho lao động tự do ổn định cuộc sống tốt hơn.

Cục Trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, với Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc người dân ‘ở đâu ở đấy’, chính quyền sở tại phải hỗ trợ người dân.

"Người dân đã sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng vào ngân sách địa phương. Khi xảy ra khó khăn, chính quyền sở tại phải thực sự giúp người dân. Nếu người dân được hỗ trợ ổn định, người ta sẽ không phải đi về quê. Nếu hàng vạn, thậm chí hàng triệu người về quê thì khi hết dịch, chúng ta sẽ đứt gẫy chuỗi lao động. Như vậy sản xuất kinh doanh phải cả năm mới phục hồi được" – ông Vũ Trọng Bình chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay.

Sinh mạng và sinh kế đều cần thiết được chăm lo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Hỗ trợ lao động tự do cần hạn chế những điều kiện, thủ tục để người lao động có thể tiếp cận được sự trợ giúp, cho dù là từ nhà nước hay xã hội nhanh nhất và kịp thời.

Không thể chỉ trông chờ vào một nơi Nhà nước hay cộng đồng để hoạt động hỗ trợ này hiệu quả nhất rất cần sự chung tay tham gia và gắn kết các hoạt động, chính sách hỗ trợ cả ở phía Nhà nước và xã hội.

Hà Nội trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do Hà Nội trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do

VTV.vn - Những ngày này, Hà Nội cấp tốc triển khai chi trả gói hỗ trợ đến tay người dân với tinh thần quyết liệt bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước