Cuộc chiến chống đại dịch là một mặt trận toàn diện, không chỉ từ góc độ y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn phải đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì thế, nhiều chính sách đặc thù đã liên tục được các cấp chính quyền đưa ra để hỗ trợ người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch, việc chi trả cũng được triển khai trực tiếp về từng tổ dân phố. Mục tiêu thành phố đặt ra, trước ngày 25/8, các địa phương phải hoàn thành xong việc chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt cho 4 nhóm đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng.
Đáng nói, trong gói an sinh đặc thù lần này, Hà Nội hỗ trợ 10 nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19, chú trọng nhóm lao động chưa được quy định rõ tại gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Đặc biệt là gói hỗ trợ mầm non, tư thục trên địa bàn, chúng tôi chuẩn bị danh sách để xét duyệt, đảm bảo không bị chồng chéo đối tượng. Các đối tượng đã được hưởng đợt 1 thì sẽ không nhận vào đợt này, cố gắng bổ sung các đối tượng mới theo chính sách của thành phố.
Thống kê đến chiều ngày 22/8, thành phố đã chi trả hỗ trợ đặc thù cho hơn 200.000 trường hợp với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Theo rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dự kiến có trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù này, tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.
Mọi công tác liên quan đến phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội đều là mục tiêu hàng đầu hiện tại của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vì quá sốt sắng, chưa cân nhắc kĩ khi đưa ra phương pháp thực hiện nên đã gây ra một vài ý kiến trái chiều từ người dân.
Ví dụ như về việc tiêm vaccine, hiện nhiều địa phương đã tổ chức tiêm diện rộng cho người dân theo đúng chính sách là hoàn toàn miễn phí, vận động mọi người dân đi tiêm. Còn việc đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống dịch là dựa trên sự tự nguyện của người dân, không có yếu tố bắt buộc. Thế nhưng, vẫn có nơi lại chưa phân định rõ hai việc này khiến người dân thắc mắc.
Mới đây, người dân tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội không khỏi thắc mắc trước thông tin đóng tiền để được ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Theo người dân, mỗi người phải đóng tự nguyện và phải đóng góp từ 350.000 đồng trở lên.
"Nếu như tự nguyện thì tôi đóng góp 50.000 đồng, 100.000 đồng thì cũng là đóng góp nhưng tự nguyện mà tối thiểu 350.000 đồng mới được tiêm nếu tôi không có đủ mức tự nguyện đó thì khi nào tôi mới được tiêm", một người dân cho biết.
Theo Chủ tịch UBND Phường Vĩnh Hưng, việc vận động người dân đóng góp ủng hộ quỹ phòng chống dịch bắt đầu khoảng 3 tháng nay. Với thông tin phản ánh về tình trạng đóng tiền ủng hộ Quỹ vaccine để được ưu tiên tiêm trước thực chất là sự hiểu nhầm trong cách truyền đạt ở cấp thực hiện.
Hiện UBND Phường Vĩnh Hưng đã thu được số tiền ủng hộ quỹ phòng chống dịch là hơn 700 triệu đồng, đã được chuyển tới Ủy ban MTTQ Việt Nam, quận Hoàng Mai quản lý. Còn với người dân, việc ủng hộ Quỹ phòng chống dịch vốn được đông đảo mọi người hưởng ứng nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, minh bạch và công bằng.
Những băn khoăn đáng tiếc của người dân trong câu chuyện trên hiện đã được xử lý nhưng qua sự việc trên cũng cho thấy: Việc triển khai các quy định, chính sách tuy gấp gáp nhưng vẫn cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!