Nhiều xe tập lái ở các Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe đã có số năm sử dụng rất nhiều.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra đề xuất trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Trong đó, có điểm đáng chú ý là sẽ quy định rõ ràng niên hạn sử dụng của những chiếc xe dùng để đào tạo, dạy nghề, và thi sát hạch bằng lái. Việc này nhận được nhiều sự ủng hộ bởi lâu nay, việc sử dụng ô tô cũ nát để đào tạo, dạy nghề, thi sát hạch lái xe đã mang đến không ít nguy hiểm cho học viên và người tham gia giao thông.
Với Bộ Giao thông vận tải khi đưa ra đề xuất này trên góc độ việc sử dụng ô tô cũ đồng nghĩa nhiều xe sẽ có chất lượng ngày càng kém mà dùng cho việc đào tạo, sát hạch lái xe sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe.
Chị Lương Mỹ An ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội sau khi nhận được bằng lái xe ô tô đã chia sẻ: "Mới đầu nghe họ giới thiệu học lái mình đã đóng tiền một cục luôn để học lái xe. Nhưng khi tập thì thực sự thấy xe rất cũ. Lắm khi đạp phanh xe rồi chân côn thì nó rất cứng thành ra khó đạp. Trong khi những chiếc xe tập lái đó, giáo viên lại yêu cầu mình đi ra ngoài đường để đi thực tế đó thì mình thấy rất là nguy hiểm. Tuy nhiên, do đóng tiền rồi nên mình cũng không phải làm thế nào nên đành chấp nhận. Xe cũ quá mà người lái thì toàn mới không có kinh nghiệm khi ra đường nên sẽ không thể nào điều khiển cái xe theo ý mình mong muốn được. Nên việc áp dụng niên hạn xe tự lái là cần thiết".
Cùng quan điểm, anh Bùi Danh Tùng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Tôi thấy xe tập lái của một số trung tâm thì rất là cũ và có niên hạn rất lâu rồi. Có khi còn ngang với tuổi của tôi. Tôi nghĩ không an toàn, những xe đấy không nên được sử dụng nữa vì có thể gây nguy hiểm đến an toàn giao thông. Tôi nghĩ xe tập lái càng phải an toàn vì trang bị cho những người mới tập lái thì cần phải tốt để họ xử lý các trường hợp nên ưu tiên phải an toàn để giúp cho họ lái tốt hơn".
Xe tập lái quá cũ vừa xuống cấp còn gây khó khăn cho học viên khi mới tập lái trong việc xử lý tình huống.
Trên thực tế, từ năm 2016, Nghị định 65 của Chính phủ quy định dạy lái xe là một ngành kinh doanh có điều kiện ở nước ta. Thế nhưng, những phương tiện tập lái thì không có quy định cụ thể nào về niên hạn sử dụng, trong khi đây cũng là 1 loại phương tiện kinh doanh vận tải, được sử dụng rất thường xuyên.
Phân tích trên góc độ kỹ thuật, TS Nguyễn Thiết Lập, Phó trưởng Khoa Cơ khí Ô tô, Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ: "Các xe tập lái đó hoạt động như hoạt động kinh doanh, có thay đổi về kết cấu này để phù hợp với việc dạy lái, được sử dụng thường xuyên cho nên dẫn đến việc suy giảm chất lượng xe khá nhanh so với các loại xe gia đình. Cho nên việc quy định về niên hạn là nên tính đến, rồi tính niên hạn quy định là bao nhiêu thì cần có sự phân tích đánh giá kĩ hơn".
Theo đề xuất mới trong dự thảo thì xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm, tính từ năm sản xuất. Xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17 - 25 năm.
Tuy nhiên, với một số chuyên gia, thì việc áp niên hạn với xe tập lái cũng sẽ tạo ra một tác động không nhỏ đến các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe. Bởi chi chi để thay thế những phương tiện cũ xe cũng không hề nhỏ. Ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông tâm tư: "Số lượng phương tiện mà hiện nay ở các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên toàn quốc ấy bị loại ra là một số lượng rất lớn nếu áp dụng niên hạn. Điều này đồng nghĩa gây ra lãng phí rất là lớn. Chính vì thế theo tôi, chúng ta cần thận trọng rà soát lạị và nếu có đưa ra hạn mức, thì cần tính một hạn mức hạn định nào cho phù hợp nhất."
Theo tính toán sơ bộ của Cục Đường Bộ Việt Nam sẽ có khoảng 40% số phương tiện tập lái sẽ phải thay thế, nếu áp dụng đề xuất này. Đây sẽ là khoản đầu tư ban đầu rất lớn cho trung tâm dạy nghề lái xe trong thời gian tới nếu đề xuất sửa đổi bổ sung được thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!