Ba bệnh nhân COVID-19 tử vong đều là bất khả kháng

H.T-Thứ bảy, ngày 01/08/2020 16:34 GMT+7

Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn - Theo GS Nguyễn Gia Bình, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước với rất nhiều bệnh nhân nặng tuổi cao và có bệnh mãn tính.

Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước

Sáng nay (1/8), Bộ Y tế đã công bố trường hợp tử vong có liên quan đến COVID-19, nâng số ca tử vong có liên quan đến COVID-19 lên 3 trường hợp. Các bệnh nhân tử vong đều là người cao tuổi, có hàng loạt bệnh lý nền kèm theo.

Bệnh nhân 499 (nữ, 68 tuổi) mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp. Bệnh nhân điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ra viện 23/7/2020. 

Sau đó, bệnh nhân có ho, sốt nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Do có dịch tễ nghi ngờ nên bệnh viện đã chuyển ngay khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả: bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân có biến chứng suy tủy, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Vào 04h55 ngày 1/8 thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong vì suy hô hấp.

Việt Nam: Bệnh nhân thứ 3 tử vong liên quan đến COVID-19 Việt Nam: Bệnh nhân thứ 3 tử vong liên quan đến COVID-19

VTV.vn - Bộ Y tế vừa công bố ca thứ 3 tử vong có liên quan đến COVID-19 tại Đà Nẵng.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, thành viên Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: ung thư máu không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.

"Chúng tôi khẳng định, với bệnh nhân này, COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly, bệnh chính là ung thư dạng máu giai đoạn cuối kèm viêm phổi" - GS Bình nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ Y tế cũng đã công bố 2 trường hợp là Bệnh nhân COVID-19 số 437 tử vong vì sốc nhiễm trùng trên nền bệnh lý nặng và Bệnh nhân 428 - nam, 70 tuổi, trú tại TP. Hội An, Quảng Nam, tử vong vì nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng: suy hô hấp do suy tim và COVID-19.

GS Nguyễn Gia Bình cũng nhấn mạnh: ở giai đoạn trước có bệnh nhân nặng, các bác sĩ tập trung sức lực cứu chữa, bệnh nhân có khả năng hồi phục. Tuy nhiên lần này các bệnh nhân đều cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo, thường ngày đã sống nhờ máy móc, khi thêm COVID-19 tấn công không qua khỏi.

Theo GS Nguyễn Gia Bình, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước. Rất nhiều bệnh nhân nặng, do tuổi cao, bệnh mãn tính kèm theo như suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ, ung thư... Các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Đà Nẵng, nhưng các y bác sĩ không thể làm gì khác được...

"Cả 3 trường hợp COVID-19 tử vong đến nay đều là bất khả kháng" - GS. TS Nguyễn Gia Bình cho biết.

Thời gian tới tình hình tiếp tục phức tạp nên phải cùng nhau cố gắng

Trước diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời về cả nhân lực và trang thiết bị y tế để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19. Sáng nay, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã họp trực tuyến với Bộ Chỉ huy chống dich tiền phương của Bộ tại Đà Nẵng do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng Chỉ huy.

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cũng các chuyên gia đã báo cáo về tình hình hiện tại của Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Phát biểu từ điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của các đội quân tinh nhuệ của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng để cùng hỗ trợ địa phương phòng chống dịch. Đồng thời yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này.

Ba bệnh nhân COVID-19 tử vong đều là bất khả kháng - Ảnh 2.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020 đã có hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

Quyền Bộ trưởng nhận định thời gian tới tình hình tiếp tục phức tạp nên phải cùng nhau cố gắng. Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam đang được nhận định nằm trong vùng nguy cơ rất cao. Địa phương này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số khu vực, tới đây sẽ có thể phát hiện thêm các ca ở Quảng Nam.

Ngoài ra, Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng là những địa phương có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19.

Đối với các địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng như Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn.

Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở thực hiện: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót những người có liên quan đến COVID-19 tại Đà Nẵng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước