Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch. Đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn. Bằng lòng hiếu khách, người dân miền Tây đã tạo được thiện cảm và ấn tượng cho nhiều du khách.
Thế nhưng, vẫn có những điều tạm gọi là "trở ngại" khiến cho câu chuyện làm du lịch của người nông dân miền Tây chưa được như mong đợi. Trong đó, phải kể đến vấn đề về rào cản ngôn ngữ. Đón khách trong nước thì dễ nhưng gặp khách nước ngoài đa phần chỉ có thể dùng động tác tay chân để ra dấu, hoặc trông cậy vào hướng dẫn viên. Và đó cũng là lý do để nhiều người dân ở Cồn Sơn, một điểm du lịch nổi tiếng của TP Cần Thơ, vượt sông đi học ngoại ngữ.
Quang cảnh tại lớp ngoại ngữ
Lớn tuổi nhất lớp học, ông Bảy Bon là chủ của những bè cá tiền tỷ. Trước đây, chỗ ông đón cả ngàn lượt khách mỗi năm, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Ông hiểu rõ, sẽ là một lợi thế nếu có thể tự mình nói về công việc và cuộc sống của mình bằng tiếng Anh.
Còn bà Bảy Muôn vẫn phải nhờ thông dịch viên mỗi khi có khách ngoại quốc ghé thăm. Thế nên, lớp học tiếng Anh miễn phí với bà là một cơ hội quý.
Hai tháng học không phải là khoảng thời gian dài nhưng sẽ đủ lâu để người Cồn Sơn có thể phần nào tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ, góp nhặt đủ vốn từ vựng để nói về những điều thú vị của quê hương mình và sẵn sàng cho ngày đón khách trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!