Mới đây, bà Trần Thị Kim Thia hay còn được bà con ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp gọi là bà sáu Thia đã được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 vì hoạt động cộng đồng. Đây là lần đầu tiên, Forbes Việt Nam tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh để tạo ra những tác động tích cực, xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Bắt đầu công việc từ năm 2006, đằng đẵng thời gian với xiết bao gian nan nhưng bà sáu Thia vẫn bền bỉ sắc son một tấm lòng yêu trẻ.
Theo thống kê của xã Hưng Thạnh, mười mấy năm qua, có hơn 3.800 trẻ biết bơi lội và kỹ năng sinh tồn vùng sông nước thông qua lớp dạy bơi lội miễn phí của bà Sáu. Tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng giảm đáng kể khi mỗi năm có hơn 200 em nhỏ tham gia học bơi lội với tỉ lệ biết bơi đạt trên 95%. Tấm lòng vì trẻ của người phụ nữ độc thân này được xã hội, cơ quan quản lý ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và trung ương. Bà nằm trong top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do hãng thông tấn BBC bình chọn. Năm 2018, bà là 1 trong 3 cá nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long vinh dự nhận giải thưởng KOVA, hạng mục "Sống đẹp". Tháng 4 năm nay, bà được trao tặng huân chương lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ. Việc lọt vào top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn là điều hoàn toàn bất ngờ nhưng vô cùng xứng đáng đối với người phụ nữ tuổi 63 này.
Trong những ngày này, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải tạm ngưng việc dạy bơi, bà Sáu Thia vẫn luôn đau đáu nỗi lo trẻ đuối nước nên miệt mài len lỏi qua từng xóm ấp để nhắc nhở phụ huynh nâng cao cảnh giác, trông chừng trẻ thật cẩn thận. Nhiều bậc phụ huynh quanh ấp vì chuyện mưu sinh cũng không thể cận kề trông con nên bà Sáu lại càng thương lo dòm ngó, bảo ban sắp nhỏ giúp trẻ ý thức hơn trong việc bảo vệ chính mình.
Không chỉ có việc chăm lo cho trẻ nhỏ biết bơi lội, trong 30 năm qua từ khi người phụ nữ gốc Gò Công phiêu dạt về Tháp Mười sinh sống, bà Sáu đã chắt chiu từng đồng tiền mọn của mình cùng với những phần tiền thưởng từ các bằng khen, huân chương để mua gạo tặng người già neo đơn, mua bánh kẹo cho trẻ em nghèo. Bản thân bà là một phụ nữ độc thân, ít chữ nghĩa, không của cải vật chất chỉ sống dựa vào việc làm thuê trải qua nhiều nghề khác nhau như phụ hồ, bốc vác, bán vé số, lột hạt sen, hạt điều thì làm sao có kinh tế đủ đầy. Chính vì lẽ đó những việc làm của bà được xem như "lá rách đùm lá nát", lại càng đáng quý vô ngần.
Làm việc tốt giúp người, giúp đời đó là điều ai trong mỗi chúng ta cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ sự nhẫn nại, bền bỉ, kiên gan vượt qua mọi rào cản, hy sinh cả hạnh phúc bản thân để xả thân vì cộng đồng. Nghị lực vượt khó cùng tấm lòng nhân ái bao la của bà Sáu Thia đã và đang lan tỏa thông điệp yêu thương và truyền cảm hứng cho tất cả phụ nữ Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay lứa tuổi nào. Gần trọn đời người gắn bó cùng sông nước, giờ đây bà Sáu lại khắc khoải chờ mong cơn đại dịch qua nhanh để bà được trở lại với việc dạy bơi lội cho trẻ - một công việc bình thường nhưng thật phi thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!