Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim được giao quản lý hơn 40.825,3ha, nằm trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Giáp ranh với các huyện Đam Rông, Đơn Dương, TP Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận..
Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim là nơi cư trú của quần thể các động, thực vật quý hiếm như: Mang lớn, Gà tiền mặt đỏ, Nai, Heo rừng, Thông lá dẹt,.. trong đó có nhiều loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Một góc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
"VƯỢT NẮNG, THẮNG MƯA" XUYÊN RỪNG GỠ BẪY THÚ
Lạc Dương là huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng có diện tích rừng rất lớn. Nơi đây sở hữu quần thể các loài động vật hoang dã phong phú. Thế nhưng, những con thú nhỏ bé ấy cũng trở thành miếng mồi béo bở của nhóm người xấu. Hàng ngàn chiếc bẫy giăng mắc khắp đại ngàn, luôn chờ chực cướp đi sinh mạng của thú rừng.
Trước thực trạng đó, tháng 4 năm 2023, Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy đầu tiên được thành lập tại Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim với 5 thành viên được Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm góp phần giúp bảo vệ sự sống của những loài sinh vật dưới tán rừng già.
Các thành viên trong đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy.
Bẫy kẹp và bẫy thòng lọng là hai loại bẫy các đối tượng thường xuyên sử dụng.
Một ngày nắng hiếm hoi trong mùa mưa ở Lâm Đồng, Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim lại tiếp tục hành trình tuần tra xuyên rừng để tìm kiếm, tháo gỡ những chiếc bẫy và giải cứu thú rừng. Phần lớn thành viên của đội đều là người dân địa phương, nhưng mỗi bước đi của họ đều phải thận trọng bởi bẫy thú được ngụy trang và đặt ở nhiều vị trí khó ngờ.
Thực hiện công tác tuần tra rừng, trước giờ xuất phát, các thành viên trong tổ luôn cẩn thận kiểm tra lại dụng cụ, tư trang cá nhân. Bên cạnh những dụng cụ quen thuộc thường được sử dụng khi đi tuần tra rừng như giày dép, mũ cối, dao, rựa, máy GPS, mỗi người còn trang bị cho mình thêm điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm SMART là công cụ giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy chuẩn bị trang thiết bị và vật dụng cần thiết trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Anh Đặng Văn Thanh, Đội trưởng Đội Tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy, cho biết: "Trung bình mỗi tháng, chúng tôi đi tuần tra rừng 16 ngày/đêm. Công việc này cũng có những rủi ro tiềm ẩn, nhiều đêm anh em phải ở lại giữa rừng già. Song hành với quá trình tuần tra, chúng tôi thực hiện công tác tháo gỡ các bẫy động vật đặt trái phép; quan sát, ghi nhận, cập nhật về các loài động, thực vật trên tuyến tuần tra..
Đội tuần tra xác định vị trí trên bản đồ, GPS, cập nhật sử dụng phần mềm SMART.
Quá trình tuần tra, phát hiện thấy cá thể động vật, thực vật quý hiếm mới hay bẫy thú rừng chúng tôi sẽ kịp thời ghi chép, nhập thông tin, đánh dấu địa điểm thông qua máy GPS và điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm SMART để báo cáo về cho bộ phận Kỹ thuật thuộc Ban quản lý rừng. Anh Thanh chia sẻ.
Một cá thể rùa đã được giải cứu, thả về với thiên nhiên.
Xác thú rừng bị phân hủy do dính bẫy.
Ngoài công tác tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy. Bên cạnh đó, đội còn chủ động phát hiện và cảnh báo kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; kiểm soát việc đưa người, phương tiện vào rừng để khai thác khoáng sản, săn bẫy động vật hoang dã; thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép và các nhiệm vụ khác liên quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Tại Ban quản lí rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, việc triển khai ứng dụng SMART được thực hiện từ đầu năm 2023. Trước đây, khi chưa có ứng dụng này, việc thu thập dữ liệu tuần tra được thực hiện thông qua các công cụ như máy định vị GPS cầm tay, phiếu/biểu giấy và máy ảnh, sau đó được nhập thủ công vào máy tính. Tuy nhiên, cách tiếp cận này rất tốn thời gian và thiếu tính khách quan, đồng thời quá trình nhập dữ liệu dễ xảy ra sai sót.
Lực lượng tuần tra băng rừng, vượt suối trong mỗi chuyến tháo gỡ bẫy, giải cứu động vật hoang dã.
Ông Trần Xuân Đường, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, cho biết: "Việc ứng dụng bộ công cụ SMART được xem là một trong những giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại nhằm tăng cường chất lượng quản lý nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Các tuyến tuần tra bảo vệ rừng được lưu trữ đầy đủ các thông tin như tọa độ, khoảng cách tuần tra, tuyến tuần tra, ngày, tháng, tuần tra..
Từ đó, lãnh đạo Ban quản lý rừng sẽ có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát diễn biến rừng và đa dạng sinh học của đơn vị".
Theo thông tin từ Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 đã ghi nhận hơn 300 ngày tuần tra của Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy với gần 900 lượt cán bộ tham gia, với hơn 4.600 km đường rừng đã được các thành viên của đội tuần tra rừng đặt chân đến. Trong quá trình tuần tra đã tháo gỡ được hơn 240 bẫy thú rừng (chủ yếu là bẫy thòng lọng và bẫy kẹp), giám sát các loại động hoang dã và thực vật rừng quý hiếm..
Phút nghỉ ngơi của đội để đảm bảo sức khoẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Đinh Hữu Đạo, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Qua đó giúp lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của ban quản lý tiếp cận kịp thời với khoa học, công nghệ và giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!