Báo chí ứng dụng AI: Hướng tới giá trị cốt lõi trong thời đại mới

Minh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 24/02/2023 21:20 GMT+7

Lớp học được tổ chức trong 2 ngày 23-24/2, tại TP Hồ Chí Minh.

VTV.vn - Nâng cao kỹ năng sư phạm cho phóng viên, nhà báo lành nghề rồi từ đó lan tỏa, nhân rộng kiến thức tới đồng nghiệp là hoạt động báo chí thiết thực, ý nghĩa.

Ngày 23-24/2, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức lớp học "Bồi dưỡng kỹ năng giảng viên dành cho các nhà báo có kinh nghiệm" do Nhà báo – Thạc sĩ Báo chí Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì.

Trước thách thức đặt ra từ sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, với sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới có tốc độ lan tỏa thông tin nhanh, không giới hạn, đòi hỏi sự đổi mới nội dung và phương thức, cách thức triển khai công tác thông tin để làm sao gửi tới độc giả, khán giả những sản phẩm ngày càng gần gũi, thuyết phục và có sức lan tỏa. Vì thế, những người làm báo trong thời đại mới cần có tư duy, nhận thức và cách làm thông tin, truyền thông linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, bắt kịp với những thay đổi về xu thế truyền thông mới, truyền thông hiện đại. Để làm được những điều này, một mặt những phóng viên, nhà báo cần liên tục nâng cao kỹ năng, kiến thức, đồng thời phải luôn tìm tòi, nghiên cứu, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, với thâm niên, trình độ trong nghề, một trong những nhiệm vụ cốt lõi dành cho những nhà báo còn là nâng cao kỹ năng sư phạm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thế hệ kế cận để thích ứng, hội nhập và hóa giải thách thức đặt ra với ngành báo nói chung, với tòa soạn nói riêng từ sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0.

                  
Chia sẻ khóa đào tạo, giảng viên Đinh Ngọc Sơn cho biết, những người tham gia đều là những phóng viên, nhà báo có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng thông qua những khóa đào tạo như thế này, mỗi học viên có thể trở thành những giảng viên có thể đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những phóng viên khác.

Khóa đào tạo đặt ra mục tiêu: Thứ nhất là những phương pháp, kỹ năng giảng dạy của một người giảng viên, kết hợp giữa giá trị của một nhà báo đang làm việc trong một cơ quan truyền thông và kỹ năng giảng dạy, để làm sao tổ chức được những khóa đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên các loại hình báo chí trên địa bàn.

Thứ hai, sự phát triển công nghệ hiện nay đang rất nhanh, điều đó không chỉ tác động tới ngành báo chí mà còn cả nhiều lĩnh vực khác, trong đó có giáo dục. Vì thế, trong các kỹ năng sư phạm, có thể áp dụng công cụ, trong đó có thể kể đến Trí tuệ nhân tạo (AI). Điều đó sẽ giúp ích cho phóng viên giảng viên trong những công việc cụ thể.

Đây là khóa đào tạo đầu tiên được tổ chức với phương pháp giảng dạy hiện đại, nghiên cứu, thực hành áp dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Báo chí ứng dụng AI: Hướng tới giá trị cốt lõi trong thời đại mới - Ảnh 2.

Bên cạnh việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ mới, Khóa đào tạo còn tạo kênh, hỗ trợ xây dựng mạng lưới, tăng kết nối giữa các đơn vị báo chí giữa các tỉnh phía Nam, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa sự trao đổi giữa các tòa soạn tại Việt Nam…

Từ sự thành công của khóa đào tạo đầu tiên (có ứng dụng AI) này, Nhà báo – Thạc sĩ Báo chí Đinh Ngọc Sơn cũng chia sẻ tới đây, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức những khóa đào tạo có kết hợp ứng dụng AI để thông qua đào tạo nguồn, có thể nâng cao hơn nữa chất lượng nghiệp vụ của từng phóng viên nhà báo tham gia khóa đào tạo, từ đó, trau dồi kỹ năng sư phạm cho các nhà báo lành nghề - những "cánh tay nối dài" của Hội Nhà báo Việt Nam, giúp phát triển từng tòa soạn nói riêng, góp phần cho sự phát triển của ngành báo nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước