Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và nguồn nước sông Mê Kông ngày càng bị thiếu hụt. Với 95% nguồn nước chảy vào vùng này đến từ sông Mê Kông và chỉ có 5% là nội sinh, việc bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt cho vùng đồng bằng này trở nên cấp thiết.
Diện tích bị xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Tại Cà Mau, nông dân đã chuyển đổi hơn 40.000 ha sang mô hình sản xuất lúa-tôm để thích ứng với điều kiện mặn. Mặc dù hiệu quả của mô hình này khá cao, nhưng rủi ro và thiệt hại cũng rất lớn, có năm lên đến 50% diện tích.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Chúng ta đã chia ra 3 vùng sản xuất mặn, ngọt, lợ để phù hợp với tình hình tác động của biến đổi khí hậu. Để sản xuất ba vùng này đảm bảo thì cần có hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ cho quy hoạch này, điều tiết được hai nguồn nước mặn-ngọt."
Lượng nước từ sông Cửu Long hiện nay chỉ đủ cung cấp nước tưới an toàn cho 700.000 - 800.000 ha đất trồng lúa. Vì vậy, việc canh tác lúa gắn với tăng trưởng xanh hay mô hình lúa-tôm được xem là giải pháp thuận thiên.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh: "Sử dụng tiết kiệm nước là quan trọng, bao gồm chuyển đổi sản xuất phù hợp và giữ lại các không gian trữ nước vốn có của ĐBSCL".
Xây dựng các công trình trữ nước trong hệ thống kênh, rạch là giải pháp khả thi để bảo đảm nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính, hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng chứa 2,5 - 3 tỷ m³ nước.
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu nước, với lượng nước trong mùa khô vẫn về ĐBSCL khoảng 60 - 70 tỷ m³, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m³, vấn đề nằm ở việc giữ nước để sử dụng quanh năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!