Bảo hiểm ô tô sau bão lũ: Giải quyết như thế nào?

Nguyễn Quân-Thứ hai, ngày 11/11/2024 06:00 GMT+7

Nhiều người quan tâm đến vấn đề xử lý bảo hiểm ô tô sau bão lũ

VTV.vn - Hậu quả của bão lũ gây ra thiệt hại nặng nề ở nhiều phương diện. Trong lĩnh vực giải quyết bảo hiểm ô tô sau thiên tai cũng đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Thời điểm tháng 9/2024, cơn bão số 3 và lũ lụt đã làm hư hỏng số lượng lớn phương tiện giao thông ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thông tin từ một số công ty bảo hiểm, để giải quyết vấn đề "hậu mưa bão", họ đã phải chi trả hàng trăm tỉ đồng tiền bảo hiểm tài sản và ô tô.

Theo báo cáo của các đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy thiệt hại về ô tô là rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian sau bão lũ thời điểm đó, PJICO đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan xe cơ giới và tài sản; Bảo Việt ghi nhận 692 vụ với tổng số tiền bồi thường ước tính khoảng 950 tỉ đồng.

Các công ty khác như VBI ghi nhận hơn 400 vụ tổn thất xe cơ giới, tài sản, hàng hải; BIC, MIC, OPES... báo cáo hàng trăm vụ thiệt hại với số tiền bồi thường lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Theo chia sẻ của đại diện PJICO, đối với xe cơ giới ở các khu vực bị ngập lụt diện rộng, công ty tăng cường các trạm garage ở vùng lân cận hỗ trợ cứu hộ xe, đồng thời phối hợp với cơ quan giám định chuyên môn để xử lý sự cố và bồi thường nhanh nhất. Với Bảo Việt, đơn vị này đã đơn giản hóa quy trình xử lý bồi thường và triển khai các giải pháp tạm ứng để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.

Mưa lũ, dù bản thân cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm đối với những quyền lợi chính đáng của khách hàng, nhiều công ty bảo hiểm đã "xắn tay" cùng với khách hàng để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Chia sẻ với VTV Times, đại diện Công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI), cho biết ưu tiên hàng đầu của công ty bà đối với các khách hàng trong trường các trường hợp xe bị ảnh hưởng bởi bão lũ là giảm thiểu thủ tục thẩm định và tạm ứng bồi thường.

Phó Tổng Giám đốc MIC Lê Như Hải cũng chia sẻ, ví như trong đợt bão lụt tháng 9, công ty ông đã chủ động liên hệ với khách hàng và đến trực tiếp hiện trường tại những khu vực xảy ra thiệt hại để giám định, hỗ trợ bồi thường.

Theo đánh giá của nhiều chủ xe ô tô có phương tiện bị ảnh hưởng bởi bão lũ trong thời gian vừa qua, các công ty bảo hiểm không "bỏ rơi" khách hàng và hợp tác với các chủ phương tiện trong việc xác định tổn thất và bảo đảm quyền lợi cho họ.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện của các công ty bảo hiểm ô tô, không phải trường hợp nào các chủ phương tiện cũng được bồi thường tài sản và phương tiện khi sự thiệt hại liên quan đến bão lũ.

Bảo hiểm ô tô sau bão lũ: Giải quyết như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân cần biết đầy đủ thông tin về xử lý bảo hiểm xe ô tô bị ngập bởi thiên tai

Sự chung tay của các bên

Theo chia sẻ của một lãnh đạo công ty bảo hiểm, công ty ông và rất nhiều công ty bảo hiểm khác có thể từ chối bồi thường trong trường hợp xe bị thiệt hại do thủy kích (nước xâm nhập động cơ) nếu chủ xe cố tình di chuyển qua vùng ngập nước hoặc cây đè.

"Hoặc xe bị thiệt hại khi đậu ở nơi cấm dừng hoặc di chuyển trên đường cấm, đường ngược chiều, dù bị ảnh hưởng bị thiệt hại nhưng với những trường hợp đó cũng không được bồi thường." – vị này cho biết thêm.

Ảnh hưởng của bão lũ đối với việc xử lí các xe ô tô bị thiệt hại vẫn gặp những khó khăn dẫu có sự thiện chí từ cả hai phía (chủ xe và công ty bảo hiểm). Bởi thực tế, cùng với việc bồi thường thiệt hại, việc sửa chữa xe hư hỏng thời điểm sau bão cũng là thách thức do số lượng xe lớn, nhiều loại linh kiện phải chờ nhập về. Lấy đơn cử như sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều đại lý phân phối chính hãng ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão lũ như Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Ninh Bình, Bắc Ninh... vẫn đang bị ngập nước, tốc mái nên chưa thể hoạt động.

"Đợt tháng 9 vừa rồi, xe tôi bị ảnh hưởng bởi bão lũ, công ty bảo hiểm cũng đã ghi nhận hiện trạng và thống nhất chi trả đúng với quyền lợi chính đáng của tôi. Dù vậy, thời điểm đó số lượng xe lớn, nhân công các trung tâm sửa chữa cũng có sự biến động nên cũng phải mất thời gian khá dài tôi mới được giải quyết. Nhưng đó là lí do khách quan. Tôi vui vẻ chấp nhận điều đó. Thực tế, ngành bảo hiểm ô tô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giải quyết vấn đề chi phí sửa xe cho khách hàng sau các sự cố thiên nhiên. Tôi rất chia sẻ với họ"- Anh N.Quyết (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Bằng trách nhiệm của mình, thực tế, nhiều công ty bảo hiểm đã phải gồng mình lên để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Ô tô Hà Nội cho biết, thời gian sau bão số 3, các đại lý của công ty ở Việt Trì (Phú Thọ) và Tuyên Quang chưa thể hoạt động do nước chưa rút, nhiều xe ô tô hư hỏng ở các khu vực này được công ty ông kéo về đại lý ở Hà Nội để sửa chữa. "Chúng tôi bị đội lên chi phí, nhưng đó cũng là trách nhiệm đã cam kết với khách hàng nên mình vẫn lựa chọn một cách giải quyết nhanh và hiệu quả nhất."

Chia sẻ về việc khi công ty bảo hiểm đã thiện chí, khách hàng vẫn phải chờ đợi khá lâu mới đến được giải quyết, ông Phạm Quang Thắng cho biết, điều đó là dễ hiểu, thời gian có thể kéo dài từ vài ngày đến cả tháng bởi nó còn tùy thuộc mức độ hư hỏng, do cần thời gian để phía bảo hiểm duyệt hồ sơ chấp thuận bồi thường, nhập phụ tùng từ nước ngoài...

Xe ô tô bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ là sự cố ngoài mong muốn của tất cả các bên. Hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua đã cho thấy mức độ thiệt hại lớn của nhiều chủ phương tiện cũng như sự đồng hành có trách nhiệm của các công ty bảo hiểm cũng như các hãng xe. Thậm chí, một số hãng xe đã triển khai chương trình hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ như giảm chi phí sửa chữa, thay dầu miễn phí… thể hiện trách nhiệm cộng đồng rất lớn đối với các chủ phương tiện không may có xe bị ảnh hưởng.

"Sự cố do thiên tai đều được công ty bảo hiểm bồi thường nếu khách hàng đã mua bảo hiểm thân vỏ cho ô tô. Đây là điều khoản chung của các hợp đồng bảo hiểm thân vỏ và khách hàng không cần phải chi thêm tiền cho các điều khoản bổ sung. Cụ thể hơn, các trường hợp ô tô bị cột điện, cây cối hay biển quảng cáo đè lên gây hư hỏng trong cơn bão số 3 vừa qua đều sẽ được bảo hiểm bồi thường. Bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa nhưng không cao hơn 100% giá trị xe được xác định tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm." - Nguyễn Vĩnh - chuyên viên tư vấn bảo hiểm.

Chủ xe cần làm gì khi xe bị sự cố thiên tai?

Để được chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa, chủ xe cần ngay lập tức liên hệ với công ty bảo hiểm khi có sự cố xảy ra để chuyên viên giám định đến hiện trường làm việc và ghi nhận thiệt hại. Nếu chủ xe tự ý đưa ô tô đi sửa chữa mà không thông báo với công ty bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường sẽ giảm xuống. Với các xe bị ngập nước do mưa bão lớn, công ty bảo hiểm cũng sẽ bồi thường chi phí sửa chữa vì xác định đây là tình huống bất khả kháng do thiên tai gây ra. Trong trường hợp ô tô bị ngập nước do mưa bão, chủ xe có thể liên hệ với công ty bảo hiểm để được hỗ trợ di dời, đưa xe đến vị trí cao hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước