Chiều 20/4, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc một nữ sinh cấp 2 của trường THCS Xuân Nộn đã bị đánh hội đồng phải nhập viện điều trị. Đây chính là vụ việc phóng viên VTV đã đưa tin cách đây 1 tuần. Mọi người đã nói nhiều đến bạo lực học đường, nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và chắc chắn nhiều hơn con số 5 vụ học sinh đánh nhau một ngày trên cả nước mà ngành giáo dục đã ghi nhận.
Khi những vụ việc đau lòng xảy ra, khi đã có những đưa trẻ phải nằm viện điều trị hoặc thậm chí là đã làm những điều dại dột, với kinh nghiệm sống của mình, người lớn - chính là gia đình và nhà trường luôn ước một điều giá như mình biết và hiểu rõ về nội tình câu chuyện sớm hơn, chắc chắn sẽ có cách tác động để hoàn cảnh tối tăm ấy không diễn ra. Tuy nhiên, những đứa trẻ luôn có thế giới riêng.
Liên quan tới câu chuyện đau lòng mới đây của một nữ sinh của Trường THPT chuyên Đại học Vinh, trong buổi họp báo cách đây ít ngày, chính cô giáo chủ nhiệm của nữ sinh này cũng đã phải thừa nhận sự khó khăn trong việc nắm bắt suy nghĩ của chính các em học sinh trong lớp mình quản lý.
Cô Đặng Việt Hà - Giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: "Tôi đã rất cố gắng tìm hiểu nhưng sự thật nội tình phía sau như thế nào thì các bạn học sinh có những nhóm chat riêng mà mình không có trong đó, nên nội tình sâu bên trong như thế nào, cái này tôi cũng chưa nắm rõ".
Kết luận cuối cùng về sự việc tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh sẽ còn phải đợi quá trình làm việc từ phía cơ quan chức năng. Nhưng qua chia sẻ vừa rồi của cô giáo chủ nhiệm có thể dễ thấy một lý do góp phần không nhỏ dẫn đến sự việc đau lòng này đó là khoảng cách trong mối quan hệ giữa học sinh và những người lớn xung quanh các em.
Để đứa trẻ có thể mở lòng mình, ngoài việc người nghe thật lòng muốn nghe, cũng cần một môi trường đủ an toàn để các em, đặc biệt là những nạn nhân bạo lực học đường dám lên tiếng. Thật tiếc khi môi trường an toàn đó lại không phải là lớp học, hoặc Phòng Tham vấn tâm lý học đường hoặc thậm chí không phải là gia đình.
Sự "an toàn" lại được nhiều em học sinh tìm thấy trong những hội nhóm trực tuyến như "Hội những người bị bạo lực học đường - cô lập - body shaming" với hơn 9.000 thành viên.
Với những câu chuyện được chia sẻ trên đó có một điểm chung được lặp lại nhiều lần trong rất nhiều bài viết, tâm sự của những em học sinh nạn nhân của "Bạo lực học đường", điển hình là bình luận: "Mình nói với cô những cô bảo kệ chúng nó mà sống; còn nói với mẹ thì mẹ nói những câu nói và hành động đó không đáng để mình bận tâm".
Điều khó khăn nhất với những nạn nhân bị "Bạo lực học đường" chính là cảm giác cô đơn giữa những người thân thuộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!