Lúc 11h ngày 3/11, bão số 10 vẫn giữ cường độ gió cấp 8 và đang có xu hướng tăng cấp, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam, di chuyển theo hướng về phía đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cảnh báo, bão số 10 hết sức nguy hiểm cả ở trên biển và trên đất liền. Gió mạnh cấp 8-9, giật 12 và sóng biển dâng cao 4-6m ở trong khu vực nguy hiểm của cơn bão. Các tàu, thuyền hoạt động hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có thể có gió cấp 8, giật cấp 11. Bão số 10 có đặc điểm là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền từ ngày 4/11, khi bão còn cách bờ khoảng 300-400km. Điều này gây mối nguy cơ cao đối với tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Ngoài ra, nhiều khả năng bão sẽ kết hợp với không khí lạnh để gây ra đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung với lưu lượng vài trăm milimet từ ngày 4-7/11.
"Mưa lớn sẽ tạo ra nguy cơ cao xuất hiện lũ trên sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế tới Phú Yên từ ngày 4-7/11". Giám đốc Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, bão số 10 chỉ có sức gió mạnh cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của bão sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, bão có thể thay rất nhanh, khó dự báo. Bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới được các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá là có tính bất định về cường độ và quỹ đạo, không giống như các cơn bão mạnh và rất mạnh, ví dụ là cơn bão số 9 vừa qua. Vì vậy, người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam
Cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý.
Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!