Từ lâu, hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương và tại các nhà hàng, khách sạn đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch khi đến thăm Cố đô Huế. Tuy nhiên, trên thực tế, với thời gian hạn chế của các tour du lịch, các bài bản lớn của nghệ thuật Ca Huế như: Quả phụ, Nam xuân, Nam ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng.
Thay vào đó, đa số các diễn viên, nhạc công trình diễn các làn điệu dân ca, các điệu lý, hò dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng Ca Huế cổ truyền; gây sự hiểu lầm với du khách, nhất là những người đang tìm đến thưởng thức Ca Huế với lòng đam mê thật sự. Đây cũng chính là những trăn trở của đội ngũ các nhạc sĩ và nhà nghiên cứu khi nói đến vấn đề bảo tồn Ca Huế, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một trong những thách thức lớn đối với Ca Huế trong giai đoạn hiện nay đó là việc làm thế nào để loại hình nghệ thuật này ngày càng thu hút được giới trẻ - những người sẽ là thế hệ tiếp nối và phát huy mạnh mẽ nghệ thuật Ca Huế trong tương lai.
Ở Huế, hiện có hai đơn vị đào tạo các chuyên ngành về Ca Huế là trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Huế và Học viện Âm nhạc Huế. Đây là hai cơ sở trực tiếp đào tạo ra những lớp diễn viên và nhạc công kế tiếp cho nghệ thuật Ca Huế. Tuy nhiên, để Ca Huế thực sự được hội nhập và đón nhận một cách sâu rộng, việc soạn lời mới cho Ca Huế là một giải pháp thiết thực đang được đội ngũ các nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Ca Huế là di sản của cộng đồng. Việc bảo tồn Ca Huế không chỉ là nhiệm vụ của các ban ngành quản lý, của các nghệ nhân, đội ngũ sáng tác mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân; nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của Ca Huế cho hôm nay và mai sau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.