Nằm trong địa bàn huyện miền núi biên giới Tây Giang, rừng Tây Giang có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, nước và chống xói mòn. Đây là khu rừng có nhiều hệ sinh thái và loài động thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao. Đặc biệt, có gần 1.400 cây Pơ Mu, nhiều cây đã trên 1.000 năm tuổi.
Quần thể Pơ Mu cổ thụ này lâu nay được xem là báu vật, là cây thiêng liêng của đồng bào Cơ Tu sinh sống ở đây. Vì vậy, chúng được bảo vệ rất tốt. Trải qua quá trình sinh trưởng và phát triển, nhiều cây cho hình thù rất độc đáo.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, sinh cảnh của khu rừng tự nhiên này vẫn giữ nguyên được quần thể các cây Pơ Mu có tuổi đời hơn 1.000 năm. Hiện nay, có khoảng hơn 100 cây có đường kính 2-2,5 m, chiều cao 50-70 m. các cây Pơ Mu có hình dạng khác nhau nên chúng được đặt tên là cây Gấu, cây Voi hay cây Rồng.
Với sự bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng nhân dân hai xã Tr'hy và Axan, sau này có thêm Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang và tổ bảo vệ rừng cộng đồng, năm 2016 quần thể 725 cây Pơ Mu cổ thụ có tuổi đời từ 300 - 1.000 năm đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Hàng năm, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang lại tổ chức Lễ hội " Tạ ơn rừng ". Đây là cách để giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc, vừa giáo dục con cháu về giá trị của cánh rừng nguyên sinh Pơ Mu mà họ đang bảo vệ. Trong 1 ngày không xa, những du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây Pơ Mu nghìn năm tuổi này, khi du lịch được phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!