Bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thông qua việc phổ biến pháp luật

Đ.Huyền-Thứ hai, ngày 02/10/2023 18:19 GMT+7

VTV.vn - Tiếp cận chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu giúp người bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ hiểu, thực thi từ đó nâng cao hiệu quả giữ rừng.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, nhưng được bao phủ phía biển bởi hơn 40.000 ha rừng đước tại huyện Cần Giờ - nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thông qua việc phổ biến pháp luật - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn Cần Giờ - Lá phổi xanh của TP Hồ Chí Minh.

Trong khu vực vùng đệm và vùng lõi hiện nay, ngoài ban quản lý rừng còn có cộng đồng người dân tham gia vào công tác nhận giao khoán bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng, nuôi trồng thủy hải sản. Theo đánh giá của các chuyên gia, để bảo tồn được đa dạng sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, vai trò của những cộng đồng này rất quan trọng. Họ cần được đảm bảo các quyền lợi về môi trường cũng như được nâng cao nhận thức về pháp luật. Từ đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.

Vấn đề này còn có ý nghĩa quan trọng trong ý tưởng lấy Cần Giờ để làm động lực triển khai xây dựng nền kinh tế Net Zero tại TP Hồ Chí Minh. Cần Giờ đóng vai trò hấp thụ hàng triệu tấn carbon mỗi năm, để duy trì ''lá phổi'' này, những người dân giữ rừng cần được đối xử bình đẳng và toàn diện, không bị bỏ lại phía sau.

Bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thông qua việc phổ biến pháp luật - Ảnh 2.

Dự án: Tăng cường năng lực tiếp cận công lý môi trường cho các nhóm đối tượng yếu thế sống phụ thuộc vào rừng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trong dự án "Tăng cường năng lực tiếp cận công lý môi trường cho các nhóm đối tượng yếu thế sống phụ thuộc vào rừng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", Tiến sĩ Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, với chủ đề hướng đến xuyên suốt là "công lý và môi trường", dự án sẽ kéo dài khoảng 5 năm. "Nếu như năm đầu tiên chúng tôi tập trung nâng cao năng lực pháp luật của người dân về môi trường, lâm nghiệp chung thì năm nay lồng ghép những quyền mà họ có. Tiếp theo đó, bắt đầu đề cập các câu chuyện về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu...".

"Công lý môi trường" là thuật ngữ đã được bàn luận và thực hiện rất nhiều trên thế giới. Theo UNDP, công lý môi trường bao gồm các quyền và nghĩa vụ về môi trường của cá nhân, tổ chức và Chính phủ, hướng đến đảm bảo công bằng và sự tham gia có ý nghĩa của người dân vào việc xây dựng, thực thi cũng như được phân phối công bằng lợi ích từ chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường. Và để làm được việc này, trước tiên người dân cần được nâng cao nhận thức về các quyền liên quan đến môi trường, khả năng thực hành chủ động các quyền để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật.

Ông Phúc nói, "Cơ quan thi hành pháp luật muốn người dân phải tuân theo và khi hiểu quy định pháp luật thì sẽ để làm gì? Từ đây, chúng tôi đưa ra những chủ đề lồng ghép hai chiều, đưa ra những tình huống, phân tích, lập phiên tòa giả định để người dân nắm bắt nhanh pháp luật và thực thi trong quá trình bảo vệ rừng".

Bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thông qua việc phổ biến pháp luật - Ảnh 3.

Huyện Cần Giờ có có 168 hộ dân nhận giao khoán giữ rừng với mức trợ cấp 1 triệu đồng/ha/năm. Mức trợ cấp cao hơn 1 số địa phương của cả nước.

Trong vùng lõi và vùng đệm của rừng Cần Giờ với diện tích hơn 40.000 ha hiện nay, có tổng cộng 168 hộ dân nhận giao khoán việc bảo vệ rừng. Nhiều hộ dân sống sâu trong rừng vài chục năm nay với nhiều thế hệ. Họ ít có điều kiện lên mạng tiếp xúc thông tin, cập nhật chính sách mới liên quan đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và sinh thái rừng.

"Thay đổi lớn nhất là người dân sinh sống dưới tán rừng như chúng tôi đã hiểu luật, ví dụ như chúng tôi tuần tra bảo vệ trừng, nghị định số bao nhiêu tôi không nhớ nhưng tôi nhớ chặt cây trong rừng là phạt 100 nghìn", anh Nguyễn Hoàng Phiên, một hộ dân giữ rừng chia sẻ sau khi được tập huấn pháp luật .

Còn anh Trần Minh Tùng chia sẻ: "Cũng nhờ các đợt tập huấn truyền đạt về pháp luật, chúng tôi nắm được luật rồi truyên truyền lại cho người dân sản xuất dưới tán rừng...". 

Đại diện Hội LHPN huyện Cần Giờ cũng nhận định, từ các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức cho người giữ rừng, tình trạng xâm phạm các cá thể rừng ngập mặn đã giảm đi rất nhiều hoặc không còn trong vài năm gần đây. Ví dụ như trước kia còn tình trạng đánh bắt Sâm Đất (một loại thủy sản vùng nước lợ, bị cấm khai thác) để kinh doanh buôn bán thì hiện nay, người giữ rừng đã hiểu quy định, mức phạt và không còn xảy ra tình trạng này nữa.

Bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thông qua việc phổ biến pháp luật - Ảnh 4.

Người giữ rừng cần được phổ biến pháp luật, tạo sinh kế để an tâm làm nhiệm vụ giữ rừng.

Ngoài hiểu và nắm bắt thực thi pháp luật bảo vệ rừng, về lâu dài, Ban Quản lý rừng ở Cần Giờ kỳ vọng người dân sống phụ thuộc vào rừng sẽ nhận thức và ý thức tốt hơn trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đối với sinh kế của người dân, cần có những chính sách, bảo vệ quyền lợi sinh kế cho người dân. Đồng thời mong muốn các nhà nghiên cứu chung tay tạo nên nhiều mô hình sinh kế nhằm tăng thu nhập cho bà con sống bám rừng.

Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ chia sẻ: "Hy vọng những người dân được giao khoán giữ rừng trong phạm vi vùng đệm và vùng lõi của rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ hiểu, nhận thức đúng vai trò pháp luật để cùng với ban quản lý bảo vệ, giữ rừng".

Hiện nay, ngoài việc phổ biến nâng cao pháp luật cho người giữ rừng, ông Kiệt cũng cho biết luôn đồng hành trong bảo vệ quyền lợi tạo sinh kế cho người dân, đóng bảo hiểm xã hội cho các cá nhân để họ yên tâm giữ rừng và giúp họ sau khi về già có nguồn sống khi không có khả năng lao động. 

Tiến sĩ Đào Gia Phúc cho biết, dự án phổ biến pháp luật cho đối tượng yếu thế giữ rừng ngập mặn Cần Giờ muốn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp giảm phát thải ròng về 0, nhưng không bằng các hoạt động và mục tiêu quá to tát, mà đặt trọng tâm vào tăng cường năng lực nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, những người có cuộc sống, sinh hoạt gắn liền với tán rừng tại TP Hồ Chí Minh.

Được biết, dự án sẽ được triển khai đến tháng 5/2024 với khoảng 2.000 đối tượng có liên quan là người dân giữ rừng, hộ nghèo, cán bộ quản lý, hội phụ nữ, học sinh tại huyện Cần Giờ được tiếp cận phổ biến pháp luật. Từ đó, đóng góp hiệu quả trong việc bảo vệ nguyên trạng, đa dạng sinh học của rừng ngập mặn Cần Giờ, "lá phổi xanh" của TP Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước